Bùi Hữu Hùng – người vẽ tranh bằng hoài niệm

Bùi Hữu Hùng sinh năm 1957 tại Hà Nội, là thành viên của Hiệp hội họa sỹ Sơn mài Quốc tế, sáng tác của ông được trưng bày tại nhiều nơi trên thế giới như London, Norway, New York, Bulgaria, Poland, Belgium và Việt Nam. Như con chim phượng hoàng bay cao trên đôi cánh rộng, các tác phẩm của Bùi Hữu Hùng luôn được những người yêu nghệ thuật và các nhà sưu tập tranh hàng đầu hào hứng đón nhận.

Từ nghệ sĩ vẽ thế giới cung đình và hậu cung…

Bùi Hữu Hùng là một nghệ sỹ có những sáng tác nổi bật về kỹ năng phức tạp của việc áp dụng chất liệu sơn mài theo kỹ thuật cổ điển và sử dụng sơn bản địa khi lột tả những âm điệu chiều sâu của câu chuyện cổ xưa - nơi nội tâm được mô tả trên nền của không gian huyền ảo vì thế anh được coi là một trong số ít những nghệ sĩ có thể phục hưng được cái thần của nghệ thuật sơn mài. Sự liên tưởng quá khứ, kết hợp giữa lối vẽ cổ điển với tính trang trí và chất liệu sơn mài- sự kết hợp thiên tài sáng tạo với kỹ năng nghiêm ngặt của một thợ thủ công đã đem đến những giá trị vô cùng to lớn trong những kiệt tác của Bùi Hữu Hùng.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội vào năm 1975, Bũi Hữu Hùng học vẽ tại xưởng sơn mài và bây giờ là giám đốc của Xưởng vẽ Sơn mài Nghệ thuật Nha San Studio ở Hà Nội. Trong các bức tranh sơn mài truyền thống, ông đã pha trộn sự kết hợp tinh tế màu sắc theo cách cổ điển để tạo ra một hình ảnh tinh tế hơn, sâu hơn nhằm tạo ra những bức tranh đặc biệt của mình.

Tác phẩm "Hoàng tử" của Bùi Hữu Hùng (Ảnh: Họa sĩ)

Xuất thân từ gia đình với nghề sơn truyền thống, Bùi Hữu Hùng nhanh chóng nắm bắt các bí quyết trong lĩnh vực này để trở thành một họa sỹ nổi tiếng-chuyên gia về sơn mài của hội họa Việt Nam thời kỳ Đổi Mới. Trong hầu hết các tác phẩm của Bùi Hữu Hùng, anh luôn khai thác những chất liệu văn hóa dân gian và truyền thuyết Việt Nam. Nhân vật của Bùi Hữu Hùng thường là những ông hoàng, bà chúa, những nhân vật cổ xưa mang tính huyền hoặc, đó có thể là công chúa, hoàng hậu, hoàng tử, hoàng đế, vợ quan…Tranh của anh thể hiện những suy tưởng về mạch nguồn nội tâm, pha trộn các ám ảnh, ký ức về một thời vàng son hoặc có thể xa hơn nữa.

Tác phẩm "Hoàng hậu Phương Đông" (Ảnh: Họa sĩ)

 Đối với Bùi Hữu Hùng, cảm hứng từ cuộc sống hoàng cung với những người phụ nữ trong các trang phục truyền thống là một đề tài khai thác không bao giờ vơi cạn với họa sĩ, thể hiện tinh thần dân tộc ở một thời kỳ lịch sử. Đối tượng trong các bức tranh của ông thường là những phụ nữ có khuôn mặt u buồn hoặc mô tả nỗi buồn bên trong của một chế độ triều đình thời đó. Bùi Hữu Hùng nói rằng những người phụ nữ trong tranh ông đại diện cho phụ nữ của toàn bộ thế gian này, đó là toàn bộ những hình mẫu phụ nữ bị đè nén trong một xã hội trọng nam. Trong tranh thường ít hoạt cảnh hay hành động. Để phù hợp với tinh thần Phật giáo, trong tranh Bùi Hữu Hùng chủ yếu chỉ tồn tại sự im lặng, sự an nhiên và bình yên. Nghệ thuật của Bùi Hữu Hùng có thể được coi là đại diện cho khí chất của người Việt Nam, đó là khả năng phục hồi và sự dũng cảm sau bao năm đất nước bị xấm chiếm và tàn phá bởi chiến tranh.

Hoàng Hậu Nam Phương - Tranh sơn mài của Bùi Hữu Hùng

"Nam Phương Hoàng Hậu" – Tranh sơn mài của Bùi Hữu Hùng (Ảnh: Họa sĩ)

Những nét tinh tế, thâm trầm của chất sơn trong các bình phong, câu đối, lồng chim, lệnh bài, tượng sơn thếp, nội thất cổ nơi đình, chùa là những gợi ý và ảnh hưởng sâu sắc tới họa sỹ để rồi được chắt lọc, chuyển hóa sang những tác phẩm sơn mài hiện đại. Bùi Hữu Hùng không chỉ khai thác về những yếu tố văn hóa cổ như quần áo, trang sức, motif hoa văn, mà ông còn hình thành nên một thế giới quan đầy riêng biệt. Trong một không gian trầm mặc và thấm nhuần không khí u sầu, những con người trong trang phục cung đình đứng hoặc ngồi giữa các đồ vật cổ sơ, như những hình ảnh hư ảo từ quá khứ, vừa hiện hữu vừa mơ hồ, đầy chất liêu trai chí dị.

Màu sắc cổ tích có phần hoài niệm, bí ẩn trong tranh Bùi Hữu Hùng (Ảnh: Họa sĩ)

Giống như các bức tranh Trung Quốc, Bùi Hữu Hùng luôn kết hợp trong các tác phẩm của mình một con dấu chữ ký màu đỏ, điều đó góp phần tạo nên thương hiệu không thể trộn lẫn trong các bức tranh của Bùi Hữu Hùng. Là họa sĩ Việt Nam đầu tiên đưa hình ảnh những nhân vật này vào tranh của mình, Bùi Hữu Hùng nhanh chóng dành được chỗ đứng và trở thành một trong những họa sĩ nổi tiếng bậc nhất của Việt Nam đương đại với kỹ thuật sơn mài đỉnh cao, chạm đến sự tinh tế khó ai có thể theo kịp.

Ta có thể thấy được cả một nền văn hóa Kinh Bắc tái hiện trong thế giới nghệ thuật của Bùi Hữu Hùng (Ảnh: Họa sĩ)

 Thế giới nghệ thuật của Bùi Hữu Hùng là một trong những thế giới nghệ thuật đặc sắc nhất trong kho tàng hội họa Việt Nam đương đại. Tranh của Bùi Hữu Hùng là một thế giới cô tịch với những đường nét, hình khối và màu sắc đơn giản, thiên về tông sẫm. Đôi khi, chủ thể không nằm ở trung tâm của bức tranh mà trôi nổi, bất định. Điều nay gợi cho người xem sự bí hiểm, sâu sắc về sự sống và cái chết, tạo hóa và phá hủy.

 

Tác phẩm Rừng tre - tranh tĩnh vật cũng đạt đến cảnh giới cao trong tranh ông (Ảnh: Họa sĩ)

Chất liệu sơn mài là một trong những di sản nghệ thuật và văn hóa quý hiếm của Việt Nam, đã được Bùi Hữu Hùng tận dụng  một cách triệt để trong những bức tranh vốn đậm chất hoài cổ của mình. Nghệ thuật sơn mài Việt Nam là một nghề thủ công cổ - sự kết hợp thiên tài sáng tạo của người nghệ sĩ với kỹ năng nghiêm ngặt của một thợ thủ công. Trong xã hội cổ điển, một loại nhựa được chiết xuất từ ​​cây sơn mài đã được sử dụng cho trang trí nội thất trong các cung điện, đền chùa. Kỹ thuật lâu đời này có thể phải mất nhiều tháng để hoàn thành, thường là một quá trình mất nhiều thời gian đòi hỏi kiên nhẫn và khả năng kỹ thuật tinh tế.

 

"Vợ quan" (Ảnh: Họa sĩ)

Đến họa sĩ Việt Nam hiếm hoi được vinh danh tại APEC 2017

 

Tại Hội nghị APEC tháng 11 năm 2017 diễn ra tại Đà Nẵng, được sự ủng hộ của Ban thư ký Ủy ban quốc gia APEC, Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng, Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO Bộ Ngoại giao đã lựa chọn những bức tranh đẹp của các họa sỹ tiêu biểu tại cả ba miền Bắc, Trung, Nam để giới thiệu về vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam thông qua mỹ thuật.

Họa sĩ Bùi Hữu Hùng đã có tác phẩm vẽ riêng cho tuần lễ APEC này và tặng lại làm kỷ niệm cho nhân dân thành phố Đà Nẵng, đầu tiên là bức “Phong cảnh vịnh Đà Nẵng” được trưng bày ở phòng khánh tiết thứ nhất.

Bức tranh với kích thước khổng lồ dài 8m, cao 2.5m vẽ vịnh biển Đà Nẵng tươi đẹp với chất liệu sơn ta và vàng bạc trên toan (chi phí dát vàng cho tranh lên tới 400 triệu đồng).

Họa sĩ hiếm hoi được vinh danh tại APEC 2017 - ngoại giao văn hóa bằng mỹ thuật dưới góc nhìn của tranh Bùi Hữu Hùng (Ảnh: baoquocte)

Tác phẩm thứ hai của Bùi Hữu Hùng cũng thật đặc biệt, được trưng bày ở phòng khánh tiết hai, đó là bức “Phong cảnh mùa xuân” dài 6m và cao 2.1m với rừng mai trắng tinh khôi chạy dọc suốt bức tường của căn phòng. Tác phẩm thứ ba của anh “Sông Cổ Cò và Ngũ Hành Sơn” được trưng bày ở phòng đợi với chủ đề non nước thanh bình, đất lành chim đậu toát lên vẻ sang trọng và tươi sáng nhờ chất liệu sơn mài. Bức tranh dài 6m và cao 2.1m miêu tả cảnh non nước nên thơ của Đà Nẵng với dòng sông Cổ Cò và dãy núi Ngũ Hành Sơn hùng vĩ cùng hình ảnh ấn tượng đàn hồng hạc bay về tắm mát bên sông.

Những bức tranh của Bùi Hữu Hùng đại diện cho sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam hiện đại góp phần nâng tầm hội họa Việt Nam và quảng bá hình ảnh đất nước ra bên ngoài (Ảnh: baoquocte)

  Với ba tác phẩm đặc biệt, Bùi Hữu Hùng đã ghi danh mình vào sự đóng góp lớn lao cho nền mỹ thuật nước nhà bằng tài năng và sự miệt mài sáng tác nghệ thuật./.