Điểm nhanh 9 điểm quan trọng nhất ở phiên điều trần thứ hai này của ông chủ facebook Mark Zuckerberg

Trải qua hơn 4 tiếng đồng hồ ở phiên điều trần thứ nhất rạng sáng ngày 11/4 (theo giờ Việt Nam), Mark Zuckerberg đã tiết lộ nhiều thông tin bất ngờ. Hình ảnh Mark Zuckerberg cúi đầu xin lỗi trước toàn thể Quốc hội Mỹ và người dân trở thành bức ảnh HOT nhất trong ngày. Giới quan sát đánh giá Mark Zuckerberg đã là 'người chiến thắng' khi duy trì được vẻ điềm tĩnh, bám chắc được quan điểm tranh luận trong suốt phiên. Mặc dù vậy, ông chủ Facebook vẫn phải gánh chịu nhiều chỉ trích nặng nề.

Và dưới đây là 9 điểm quan trọng nhất ở phiên điều trần thứ hai này.

1. Rút kinh nghiệm, Mark thay đổi nội dung trả lời 180 độ

Trước câu hỏi liên quan tới Quy định chung về bảo vệ dữ liệu của EU (EU GDPR), Facebook đã cam kết tuân thủ những quy định về quyền riêng tư tại châu Âu, vậy thì Facebook có những cài đặt tương tự như vậy ở Mỹ không?

Mark Zuckerberg khẳng định những quy định quản lý tương tự sẽ được thực thi trên toàn thế giới.

Điều này khác với quan điểm của chính Zuckerberg trong phiên điều trần hôm qua trước Thượng viện, khi đó anh nói Facebook chưa tuân thủ thực hiện tốt những quy định về bảo mật thông tin cá nhân cho người dùng.

2. Facebook bị đại biểu Quốc hội Mỹ so với... FBI

Ông Rush - dân biểu bang Illinois - cho rằng Facebook, với phương pháp thu thập dữ liệu là tương tự với Cục điều tra liên bang (FBI) trong những năm 1960 với các hoạt động gián điệp. Với lập luận này, câu hỏi khá châm biếm: "Facebook khác gì so với ông J. Edga Hoover - Giám đốc đầu tiên của Cục Điều tra Liên bang (FBI)?

Mark Zuckerberg trả lời vòng vo: "Tôi hiểu là không có tổ chức do thám nào cho phép mọi người xóa bỏ thông tin".

3. Quyền của người dùng Facebook là... không dùng nữa!

Người sáng lập Facebook khẳng định rằng người dùng có quyền kiểm soát thông tin của họ, các nội dung họ chia sẻ, thậm chí có thể ngưng dùng Facebook. Và các công cụ theo dõi thì không cho nạn nhân được lựa chọn đó. Tuy nhiên, với câu hỏi cụ thể: "Nếu tôi chia sẻ một bức ảnh với anh, ai là người sở hữu dữ liệu đó?" - Zuckerberg đáp: "Chúng ta!". Các dân biểu không hài lòng với câu trả lời này.

4. Facebook sẽ bảo vệ quyền trẻ em

Zuckerberg nhấn mạnh rằng nhóm tuổi teen luôn có nguyện vọng được chia sẻ rộng rãi ý kiến của mình.

Với câu hỏi, có cách nào để bảo vệ các tài khoản của trẻ em từ 13 tới 18, hạn chế bị chia sẻ thông tin. Mark Zuckerberg trả lời rằng Facebook có nhiều chính sách giúp đỡ cho những tài khoản của người yếu thế, trong đó người lớn không thể tiếp xúc với tài khoản của trẻ em.

5. Chúng tôi là một hãng công nghệ

Với câu hỏi: 'Facebook có phải một công ty truyền thông không?'.

Mark Zuckerberg đáp bằng câu trả lời kinh điển trong rất nhiều năm: 'Chúng tôi là một hãng công nghệ'.

6. Mark Zuckerberg thừa nhận sai sót, nhưng xin thời gian để sửa lỗi. 

Mark Zuckerberg một mặt vẫn tiếp tục khẳng định những đóng góp của Facebook, mặt khác thừa nhận Facebook chưa làm đủ trách nhiệm của mình với người dùng.

Một lần nữa, Zuckerberg giải thích về những gì Facebook đang làm để ngăn ngừa tái diễn một vụ Cambridge Analytica khác bao gồm các thay đổi với nền tảng mạng xã hội, rà soát các ứng dụng và 'còn nhiều việc khác phải làm nữa'.

7. Facebook bị cáo buộc gián tiếp phục vụ nhóm lợi ích chính trị

Bà Eshoo, dân biểu đại diện cho California (nơi có Thung lũng Silicon) hỏi xoáy: 'Dữ liệu của anh có nằm trong số dữ liệu bị bán cho các bên thứ ba có ý đồ xấu không'.  Zuckerberg trả lời: 'Có'.

Và dân biểu Eshoo cho rằng: 'Facebook gây thiệt hại không thể tính nổi cho nền dân chủ'.

Về vấn đề này,  Zuckerberg cho biết: 'Ưu tiên cao nhất của Facebook là ngăn điều này tái diễn, đặc biệt dùng công cụ trí tuệ nhân tạo (AI)'.

Tiếp đó Mark cũng chia sẻ thành công trong việc sử dụng công cụ AI ngăn ngừa can thiệp chính trị trong các cuộc bầu cử khác như bầu cử tổng thống Pháp, bầu cử đặc biệt bang Alabama.

8. Mark Zuckerberg thừa nhận thông tin cá nhân cũng bị lộ

Mark Zuckerberg nói rằng thông tin cá nhân của ông cũng nằm trong số dữ liệu người dùng Facebook bị tiết lộ cho Cambridge Analytica.

Ông chủ Facebook cũng nhấn mạnh, người dùng có quyền kiểm soát thông tin của họ, các nội dung họ chia sẻ, thậm chí có thể ngưng dùng Facebook nếu họ muốn. Mark tiếp tục nhấn mạnh 'chúng tôi không bán dữ liệu'.

Zuckerberg cũng nói rằng công ty của ông chưa phát hiện dấu hiệu nào cho thấy Nga và Trung Quốc cố gắng thu thập hay đào xới dữ liệu của Facebook. Và với những thông tin đăng tải trên mạng xã hội này, Mark cho biết: 'Chúng tôi không kiểm duyệt, chỉ xóa những thông tin khủng bố'.

9. Twitter và Google có thể phải tham gia điều trần

Ông Walden - Chủ tịch Ủy ban con người hé lộ, sau Facebook, khả năng Ủy ban của ông sẽ mời các công ty khác như Twitter và Google tham gia điều trần vào một buổi khác về các vấn đề liên quan đến quyền lợi của người dùng và các vấn đề bảo mật khác.

Câu nói gây chú ý nhất phiên điều trần thứ hai này chính là của vị chủ tịch này. Ông nhận xét: 'Mặc dù Facebook đã thực sự phát triển, nhưng tôi cho rằng nó chưa trưởng thành'.