Góc khám phá: Sự thật đắng sau Quốc phục Hàn Quốc Hanbok - Khi màu sắc trang phục dùng để phân tầng giai cấp.

Hanbok là trang phục truyền thống của Hàn Quốc tuy giản dị nhưng đầy tinh tế. Nhưng liệu bạn có biết đến những câu chuyện vô cùng thú vị xoay quanh những chiếc áo hanbok - bộ trang phục ôm trọn cả nền văn hóa lâu đời của xứ sở kim chi?Nếu không hãy cùng ticketgo.vn khám phá sự thật thú vị xung quanh bộ trang phục truyền thống này nhé!!!

Hanbok gắn liền với cuộc sống thường nhật của người Hàn Quốc

Từ hơn 100 năm nay, hanbok đã và luôn là trang phục truyền thống được người Hàn Quốc mặc trong cuộc sống thường nhật. Ngày nay, Hanbok chỉ còn được mặc vào các dịp lễ, những ngày kỷ niệm đặc biệt và là trang phục của các cô dâu trong ngày cưới. Hầu hết mỗi người dân Hàn Quốc đều có riêng cho mình một bộ hanbok để mặc vào những dịp đặc biệt.

Ngay từ lúc sinh ra, các trẻ em Hàn Quốc đã mặc áo hanbok với tên gọi là "Be Ne Ot", và hanbok tiếp tục được mặc trong suốt thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành. Trẻ em mặc hanbok vào sinh nhật tròn 1 tuổi và người lớn mặc hanbok trong lễ cưới hay sinh nhật tròn 60 tuổi của mình. Ngoài ra, hanbok cũng được mặc trong tang lễ hay các nghi thức tôn giáo. Một số làng, huyện mang lối sống truyền thống vẫn mặc trang phục truyền thống hanbok thường ngày.

Những ý nghĩa ẩn trong trang phục hanbok

Bộ trang phục hanbok thường có ba phần: áo (jeogori), nơ (otgoreum) và chima (váy) hoặc quần (baji). Theo nhiều giai thoại, phần tay rộng của jeogori là hiện thân của sự no ấm và bao hàm toàn bộ những tính cách của con người hàn quốc. Trong khi đó, chiếc váy rộng lại thể hiện cho không gian thoáng đoãng và sự tự do.  

Người Hàn Quốc quan niệm rằng, con người cấu thành bởi sự hòa hợp giữa trời - đất, nước - lửa, cây - gió. Từ những yếu tố đó, hanbok đã hình thành trong sự kết hợp giữa đường nét đến sự phong phú của màu sắc tự nhiên.

Mặt khác, màu sắc của hanbok luôn song hành cùng triết lý âm - dương và ngũ hành ở phương Đông. Bởi một lẽ, người Hàn Quốc quan niệm rằng, phần dưới của bộ trang phục thuộc về tính âm - nữ giới, còn phần trên thuộc về dương - nam giới.

Gam màu thường được sử dụng là xanh da trời, vàng, đỏ, trắng và đen, ứng với năm yếu tố theo thuyết ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Màu trắng là màu được ưa chuộng nhất (người Hàn từ xưa vốn được gọi là bạch y dân tộc - dân tộc áo trắng) bởi nó thể hiện tính thuần khiết, sự chính trực và nét đơn giản của người Hàn Quốc.

Họa tiết trên bộ hanbok nói lên điều gì?

Thời xưa ở Hàn Quốc, màu sắc, hoa văn và chất liệu của hanbok cũng chính là thước đo để phân biệt giai cấp. Hanbok của tầng lớp thượng lưu được dệt từ cây gai hoặc một loại vải nhẹ cao cấp. Người dân thường chỉ được phép mặc áo làm bằng vải bông đơn thuần.

Hơn thế, các họa tiết, hoa văn trên áo thể hiện ước muốn, hy vọng của người mặc áo. Ví như, hình tượng của quả nho, quả lựu trang trí trên y phục với ý nghĩa sinh sôi nảy nở, hoa mẫu đơn tượng trưng cho sự giàu có và quyền lực, hay hình tượng mặt trăng, mặt trời, cây thông, cây tre, con rùa, con sếu… thể hiện cho ước muốn về sự trường thọ.

Bên cạnh những ước vọng về một cuộc sống tốt đẹp, hanbok còn chuyển tải cả một thông điệp văn hóa, qua sự phối màu và họa tiết trên áo, người khác có thể nhận ra vai trò và vị trí của người đang mặc. Ví như trên chiếc áo nữ, các dải nơ tím ở ngực cho biết người mặc đã có chồng và người chồng còn sống, hay màu xanh da trời ở cổ tay áo chứng tỏ cô ta đã có con trai…

Bạn đã biết mặc hanbok như thế nào cho đúng cách?

Với nữ, họ thường mặc hanbok lót màu trắng trước, cố định váy bằng dây buộc. Sau đó lớp hanbok chính bên ngoài cũng mặc tương tự, phần quan trọng là thắt nơ goreum sao cho đẹp. Goreum cần được thắt về bên tay phải người mặc, độ rủ mềm mại vừa phải để giữ được nét nữ tính và thanh lịch của phái nữ. Vải của bộ áo không được để nhàu và chima phải giữ được nếp và độ phồng ban đầu.

Với nam cũng là mặc baji lót màu trắng trước, sau đó đến jeogori, dáng áo mở có dây cùng chất liệu buộc lại. Sau đó mặc baji ngoài rồi đến áo khoác. Nếu là durumagi thì chỉ cần khoác vào và buộc bằng dalleyong. Dalleyong có thể là một sợi dây mảnh đeo thêm miếng ngọc bội hoặc móc treo thắt nút bằng vải để trang trí, hoặc có thể là một thắt lưng vải bản to để cố định áo. Nếu là áo khoác cộc tay (cùng kiểu với jeogori) thì mặc tương tự như jeogori, dây buộc áo khoác này cũng là vải cùng chất liệu nhưng được thắt chặt và rủ về bên tay phải.

Có thể nói rằng, một chiếc áo hanbok không chỉ đơn thuần thể hiện vẻ đẹp của con người xứ sở kim chi, mà từng họa tiết, từng sự vật xuất hiện trên bộ trang phục này đã vẽ nên một bức tranh toàn cảnh về nền văn hóa của đất nước này. Có lẽ vì thế mà hanbok vẫn sẽ mãi là một phần không thể thiếu của con người nơi đây.

Hy vọng với những chia sẻ trên sẽ giúp ích cho những bạn yêu thích đất nước Hàn Quốc có thêm những kiến thức bổ ích!!!