Khi gánh hàng rong là nét đẹp văn hóa của người Việt

Ngày 16/12/2020, UNESCO công bố quyết định công nhận Văn hóa bán hàng rong ở các nước Đông Nam Á là Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại. UNESCO định nghĩa các di sản văn hóa phi vật thể là các “di sản sống”, bao gồm các truyền thống và tập quán được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhiều người nhớ đến Hà Nội bởi những thứ mộc mạc chân tình, bởi chiều sâu văn hóa và bề dày lịch sử ngàn năm văn hiến, hay đơn giản người ta yêu Hà Nội bởi những gánh hàng rong, những tiếng rao đêm khắc khoải.

Bạn đã bao giờ từng mua hàng ở những gánh hàng rong?

Bạn đã bao giờ ngẩn ngơ trước màu sắc rực rỡ trên những chiếc xe đạp cũ kỹ len lỏi qua từng con phố nhỏ?

 Nét đẹp của đường phố khi xuất hiện những gánh hàng rong

(Ảnh: Pinterest)

Gánh hàng rong đã tồn tại ở mảnh đất phố thị từ xa xưa cho đến bây giờ, từ thuở xưa của kinh thành Thăng Long khi người dân thủ đô mưu sinh trên lề đường, trong những khu chợ dân sinh đủ các tầng lớp. Mỗi lần nhắc đến văn hóa hàng rong, người ta đều mặc nhiên xem nó như một điều thân thuộc, một nét đẹp văn hóa đặc sắc của Hà thành.

Không phải ngẫu nhiên mà những gánh hàng rong lại xuất hiện và trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều nhà văn, nhà thơ, họa sĩ. Nhà văn Thạch Lam trong “Hà Nội băm sáu phố phường” đã miêu tả rất kỹ hình ảnh những gánh hàng rong trên đường phố Hà Nội.

Từ những tiếng rao trong “tang tảng sáng, lẫn với tiếng quét đường” đến những thức quà ngon, nóng hổi như bánh cuốn, bún phở, xôi, bánh rán, đậu nóng… đầy hấp dẫn trong từng đôi quang gánh.

Người dân Hà thành từ lâu đã quen với việc mua đồ ăn từ những người bán hàng rong bởi vì đó là cách thưởng thức ẩm thực rất riêng của người Hà Nội (Ảnh: Pinterest)

Trong tác phẩm “Thương nhớ mười hai”, nhà văn Vũ Bằng cũng dành những trang viết vô cùng tinh tế về nét đẹp văn hóa Hà thành, trong đó nhà văn cũng khẳng định nhiều lần một cách mạnh mẽ về giá trị của văn hóa hàng rong. Thậm chí, không ít những triển lãm nghệ thuật, trưng bày mỹ thuật cũng từng lấy hình ảnh gánh hàng rong để giới thiệu với công chúng như một nét đặc trưng rất riêng của Hà Nội. Người Hà Nội cảm thấy đặc biệt thoải mái khi được thưởng thức những tô bún, phở, hay đơn giản chỉ là cốc trà đá mang đậm đặc trưng vùng miền khi ngồi bên đôi quang gánh, cảm nhận sự dân dã của hàng quán trên vỉa hè, lề đường.

Với nhiều người nước ngoài, hình ảnh những gánh hàng rong đã trở thành nét chấm phá rất riêng của Hà Nội (Ảnh: Pinterest)

PGS. TS Lê Quý Đức – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa cho biết, không ai biết gánh hàng rong có từ khi nào, chỉ biết nó gắn liền với sự phát triển, thăng trầm qua từng thời kỳ phát triển của Hà Nội.

Nói đến hàng rong là nói đến những người đi bán dạo tảo tần, cam phận. Họ không ngồi một chỗ cố định mà rong ruổi đi khắp hang cùng ngõ hẻm. Đặc trưng của gánh hàng rong là những người lao động nghèo với chiếc đòn gánh cong cong, bất kể ngày nắng hay mưa, họ gánh trên vai rất nhiều thứ thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt thường ngày.

 

Đằng sau những gánh gồng là bao nỗi lo toan thường nhật

(Ảnh: Pinterest)

Trên những con phố nhỏ, ngõ nhỏ, thật không khó để bắt gặp những người bán hàng rong lam lũ, len lỏi ngược xuôi với đôi quang gánh nặng trĩu chở đầy thức quà vặt theo mùa  rong ruổi, mải miết từ con phố này sang con phố khác. Người bán hầu hết là những người lao động tỉnh lẻ hoặc ở ngoại thành Hà Nội. Đằng sau đôi quanh gánh là những tất tả mưu sinh và bao nỗi lo toan nhọc nhằn thường nhật. Họ có thể là những người phụ nữ tần tảo hoặc là người cha trụ cột trong gia đình.

Nhiều gánh hàng rong là trụ cột kinh tế nuôi con cái trưởng thành ăn học (Ảnh: Pinterest)

Sở dĩ gọi là gánh hàng là vì những người bán hàng xưa thường sử dụng đôi quang gánh để bán hàng, di chuyển một cách thuận tiện, dễ dàng len lỏi vào từng ngõ ngách nhỏ. Ngày nay, gánh hàng rong đã trở thành danh từ chung để chỉ những người bán hàng không cố định một chỗ dù họ có sử dụng đôi quang gánh nữa hay không.

Những gánh hàng rong có thể bày bán rất nhiều các thức quà vặt khác nhau như: bánh trái, bún, phở… hoặc là những đặc sản theo mùa, nào táo, mận, vải, nhãn, cốm, sen… Dẫu chỉ là những món ăn đơn giản, bình dị nhưng lại mang theo, chứa đựng cả phong vị ẩm thực độc đáo rất riêng của từng vùng miền.

Trong tâm trí của nhiều người Hà Nội, những gánh hàng rong không chỉ là ký ức mà còn chứa đựng những nét đẹp văn hóa độc đáo với một màu sắc rất riêng (Ảnh: Pinterest)

Trước đây, lẫn với những âm thanh nhộn nhịp, tấp nập của phố phường, người ta vẫn nghe thấy cả những tiếng rao rất quen thuộc, từ tiếng rao tào phớ, đến bánh mỳ, bánh đa kê, chè cốm, tóc rối đổi kẹo…Họ có thể bày bán nhiều mặt hàng, từ củ hành, mớ rau thơm làng Láng, bó hoa cúc, hoa hồng, bông thược dược làng Ngọc Hà cho đến gói xôi Phú Thượng, bánh cuốn Thanh Trì, bìa đậu Hoàng Mai, mẹt cốm làng Vòng… Giữa cuộc sống hiện đại nhộn nhịp nơi phố thị, vẫn còn tồn tại nét đẹp văn hóa đặc trưng của người Hà Nội biết bao thế hệ. Giữa trưa hè oi bức, được ăn bát tào phớ màu trắng ngà, mát lạnh, sóng sánh nước đường cùng bông hoa nhài nhỏ xinh mà người bán khéo lép múc trong chiếc thùng gỗ nhỏ.

 

Đôi khi dừng chân mua một thức quà ở gánh hàng rong như một cách gợi nhớ và hoài niệm về những phong vị xưa cũ (Ảnh: Pinterest)

Thời thơ ấu của những người con chính gốc Hà Nội, đó là kỷ niệm khi thường được mẹ đưa đi đến một gánh hàng nào đó để mua các thức quà vặt như bánh trái, bún, phở… hay những đặc sản theo mùa như táo, mận, cốm, sen… Những món quà bình dị nhưng thân thương, chan chứa nhiều tâm huyết ở khắp mọi miền Tổ quốc đong đầy, gói gọn trong một gánh hàng được các bà các chị mang chở đi khắp phố phường. Dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử, bao bụi mờ cùa thời gian, hình ảnh những gánh hàng rong sẽ luôn khắc tạc trong tâm trí, cảm xúc và hồn quê bình dị của dân tộc.

Nét đẹp bình dị, tần tảo, lam lũ của người lao động nghèo

(Ảnh: Pinterest)

Hình ảnh những gánh hàng rong từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa, một phần ký ức không thể thiếu khi nhắc về Hà Nội

(Ảnh: Pinterest)

Hà Nội với tốc độ đô thị hóa cao độ, thay thế vẻ xưa cũ là những con phố tấp nập, bận rộn với những tòa nhà cao tầng mọc lên san sát, quán xá lung linh, hiện đại. Đi cùng với quá trình đô thị hóa, những gánh hàng rong cũng có nhiều thay đổi. Những tiếng rao bán ngày càng thưa vắng, xe đạp dần thay thế phương thức đi bộ bán hàng và đòn gánh. Kỹ thuật rao cũng đã được hiện đại hóa và thích ứng bằng những chiếc loa điện được ghi âm sẵn. Sự phát triển của công nghệ, cùng với những ứng dụng rao hàng thời 4.0 phần nào cũng khiến cho những gánh hàng rong không còn được phổ biến và ưa chuộng như trước. Thế nhưng, trên tất cả, văn hóa bán hàng rong vẫn rất khó loại bỏ và thay thế bởi nó đã đi sâu vào tiềm thức của nhiều người Việt bao thế hệ từ xưa đến nay. Dù cuộc sống đã hiện đại lên rất nhiều và phát triển hơn trước nhưng trong các đô thị lớn ở Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thì vẫn không thể thiếu được những gánh hàng rong. Đối với nhiều vị khách du lịch, văn hóa hàng rong cũng đã trở thành nét rất riêng và độc đáo nơi phố thị. Thật không khó để bắt gặp những hình ảnh du khách nước ngoài thích thú trong việc thưởng thức ẩm thực trên phố.

Với nhiều người Hà Nội, những gánh hàng rong không chỉ là ký ức mà còn chứa đựng những nét văn hóa đặc trưng rất riêng

(Ảnh: Pinterest)

Hình ảnh những cô bán hàng rong dáng vẻ mình hạc sương mai gầy guộc, bước đi nhẹ nhàng, nhanh nhẹn rong ruổi khắp phố phường gây nhiều nỗi ám ảnh về những số phận, những mảnh đời nặng gánh mưu sinh. Chợt nhận ra rằng đằng sau một Hà Nội phồn hoa vẫn còn những mảnh đời nhọc nhằn, cơ cực.

Mùa thu là mùa của vô vàn và phong phú các loại hoa trái của đất trời. Tiết trời se lạnh và hanh hao nắng, cảm giác đúng phong vị của Hà Nội khi được ngồi nhón từng nhúm cốm vòng xanh mướt thơm mùi lúa mới trong mảnh lá sen già, chấm với miếng chuối chín quốc thơm ngào ngạt thật mời gọi, hấp dẫn, bỏ vào miệng mà như thấy cả hương thu trời đất lan tỏa qua những hạt cốm deo dẻo.

 

Rồi tới những tối mùa đông giá rét, ngồi quanh gánh hàng ngô nướng, khoai nướng trên vỉa hè mà xuýt xoa hít hà trên tay bắp ngô non vừa nóng sực trên lò than hoa đỏ rực mà thấy ấm lòng, quên đi cái rét căm căm thổi đến từ phương Bắc. Không mái che, không người phục vụ, hàng quán đôi khi chỉ đơn sơ, mộc mạc là vài cái ghế nhựa xếp tạm trên vỉa hè, bên cạnh cốc trà đá, trà nóng mà thấy ấm lòng, quên đi cái rét căm căm thổi đến từ phương Bắc. Thế nhưng những hàng quán như vậy không biết từ bao lâu đã trở thành một nét đặc trưng, một nét văn hóa in sâu trong tâm trí người Hà Nội.

 

PGS.TS Lê Quý Đức cho rằng: “Những đội quân bán hàng rong trên lòng đường vỉa hè, xả rác bừa bãi.. Đó là chưa kể, không ít người bán chèo kéo, chặt chém khách du lịch đã khiến cho bộ mặt đô thị Hà Nội trở nên xấu xí, nhếch nhác.

Dù vậy, xét ở một khía cạnh nào đó, những gánh hàng rong vẫn là một nét đặc trưng của văn hóa Hà Nội, đặc biệt là đối với khách du lịch. Hơn cả đó vẫn là công việc mưu sinh nuôi sống con cái ăn học thành tài”. Thêm vào đó, mặt trái của việc bán hàng rong như: lấn chiếm vỉa hè, nhiều hàng quán bán rong không đảm bảo được yêu cầu khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng phần nào làm “giảm sức hút” của loại hình buôn bán này.

  

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đã từng có thời kỳ Hà Nội tính đến phương án loại bỏ sự tồn tại của những gánh hàng rong để phù hợp với xu hướng phát triển của đô thị hóa. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người tin rằng đây vẫn là nét đẹp riêng cần được gìn giữ, bởi nét đẹp của Hà Nội vốn được toát lên từ những thứ bình dị và mộc mạc như thế. Sẽ ra sao nếu mai này trên đường phố vắng một tiếng rao đêm, vắng bóng hình ảnh người con gái quê mảnh mai gánh trên vai chiếc đòn gánh cong hai đầu như vành trăng khuyết, đem bốn mùa đến cho mọi người?

Dù rằng không thể phủ nhận bên cạnh những mặt tích cực mà gánh hàng rong đóng góp cho sự phát triển của du lịch, những gánh hàng rong cũng vẫn còn nhiều tồn tại, cần phải thay đổi. PGS.TS Hà Đình Đức chia sẻ: “Dù rằng bên cạnh những nét tích cực, hàng rong cũng có nhều tồn tại cần phải thay đổi, tuy nhiên, cũng phải có cái nhìn thiện cảm, bao dung hơn. Đằng sau những đôi quang gánh là những thân phận, phận đời, là cuộc sống mưu sinh, là công việc lương thiện, gửi gắm chất chứa cả ước mơ của biết bao gia đình.

Để thay đổi, tạo dựng văn hóa hàng rong một cách văn minh, đẹp đẽ hơn thì cần có những biện pháp, chính sách hướng tới sự phát triển lâu dài, bền vững”.

Trong tâm trí biết bao thế hệ người dân thủ đô, những gánh hàng rong không chỉ là ký ức mà còn chứa đựng những nét văn hóa độc đáo với một sắc màu rất riêng.

Một nhiếp ảnh gia người phương Tây – Claudio Sieber, từng chia sẻ trên Barcroft TV về văn hóa hàng rong của Hà Nội: “Tôi đã dành hàng giờ đồng hồ đứng trên cầu để ghi lại những khoảnh khắc của những người bán hàng rong. Bởi họ hiện lên như một bức tranh đầy màu sắc, thật sự sống động trong mắt tôi. Khi đất nước phát triển, những người bán hàng rong trên đường phố sẽ dần biến mất mặc dù họ luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp hàng hóa, thực phẩm giá rẻ cho mọi người. Tuy nhiên với xu hướng chọn thực phẩm an toàn nên người dân đã ưu tiên chọn hàng trong các siêu thị càng khiến cho những người bán hàng rong mai một và ít dần”.

Cùng ngắm chùm ảnh đẹp mê hồn về những gánh hàng rong Hà Nội dưới con mắt của người nhiếp ảnh gia này: