Talkshow về chủ đề Tình yêu và Tính dục - Một góc nhìn từ Phân tâm học

Trong 1, 2 thế kỷ trở lại đây, chủ đề "Tình yêu và tính dục" đã trở nên phổ biến, công khai trong đời sống thường nhật của con người cũng như trong văn học nghệ thuật và triết học.

Chủ đề ấy như một làn gió mới thổi vào những dấu vết kín đáo của chuẩn mực, lễ nghi truyền thống và thay cho sự xấu hổ và tội lỗi của truyền thống là sự cởi mở, táo bạo của tình yêu đôi lứa. Những cái tôi đầy cá tính đã được khai mở và được thể hiện tình yêu theo cách của riêng mình.

* THÔNG TIN CHI TIẾT VỀ TALKSHOW

1. Chủ đề: "Tình yêu và tính dục: Một góc nhìn từ phân tâm học"

2. Diễn giả: Nguyễn Ngọc Kỳ Duyên

3. Dẫn chương trình: Phạm Minh Đức

4. Thời gian: 19h30 Thứ bảy - ngày 15/10/2022

5. Hình thức: Trực tuyến qua Google Meet

(Đường link tham gia talkshow sẽ được gửi vào email bạn đã đăng kí trong khoảng 9h-12h, Thứ bảy 15/10/2022)

Talkshow về chủ đề Tình yêu và Tính dục - Một góc nhìn từ Phân tâm học

Không quan tâm đến những vẻ lộ liễu bề ngoài của thế giới, các nhà phân tâm học điển hình như Sigmund Freud (1856 – 1939) và Erich Fromm (1900 – 1980) đã đi vào khám phá đời sống vô thức sâu kín nhất của con người. Tình yêu từ đó được khai thác mạnh vào những bí mật thầm kín của nội tâm, được giới thiệu trong những tác phẩm nổi tiếng như "Ba tiểu luận về lý thuyết tính dục" của S. Freud hay "Nghệ thuật yêu" của E. Fromm.

Tình yêu, với vẻ bề ngoài đạo mạo, lịch thiệp và trang nghiêm nhất, đã được thôi thúc bởi những năng lượng ẩn sâu bên trong con người: đó là tính dục. Với Freud, tính dục và thỏa mãn tính dục là điều kiện cơ bản của tình yêu, gắn liền với bản năng của con người ngay từ khi chào đời và từ khi được tiếp xúc da thịt với người mẹ. Theo thời gian trưởng thành, vô thức tính dục lúc sơ sinh đã bị dồn nén lâu dài, đến nay được bùng phát và con người tìm đến tình yêu như một sự giải tỏa niềm khát khao tính dục vô hạn.

Nhưng bên trong nguồn năng lượng tính dục mạnh mẽ ấy, tình yêu sẽ như thế nào nếu con người đã được thỏa mãn? Nói khác đi, con người có còn biết đến tình yêu hay không nếu như không còn nỗi niềm thể xác? Trong "Nghệ thuật yêu", Fromm đã cho thấy con người vẫn sẽ yêu nhau nồng cháy bất kể có sự hiện diện của đam mê tính dục hay không, nhờ một động lực còn ghê gớm hơn cả tính dục: đó là cái chết. Con người trong sâu thẳm luôn ý thức về cái chết của mình mà bất lực không thể chạy trốn. Con người co cụm trong nỗi cô đơn và dường như đã phát cuồng trong ẩn thức và để vơi đi nỗi sợ hãi, con người tìm đến tình yêu, tìm đến người yêu như một bản thể có thể hiểu nỗi sợ, nỗi cô đơn của chính mình cũng như của người tình, để quan tâm và hy vọng cho nhau, để làm nguôi ngoai nỗi sợ hãi của nhau.

Tình yêu vĩnh viễn là nguồn nhựa sống nuôi dưỡng con người. Suy cho cùng, chúng ta có thể khám phá được bao nhiêu điều mới lạ của thế giới hay đạt đến một xã hội tiến bộ, văn minh đến đâu, thì chúng ta vẫn phải yêu, bởi vì chúng ta chỉ có thể sống nếu như được nếm trải hương vị của tình yêu. Trong mọi nỗi niềm tuyệt vọng nhất, bi ai nhất, tình yêu vẫn luôn cứu vớt con người, đẩy con người đi mãi về phía tương lai.

>> Link đăng ký tham gia talkshow: https://bit.ly/PhiloTalkPhantamhoc

Author: Bụi

Designer: pseudonym