Bạn có biết vì sao Tết Hàn thực 3/3 Âm lịch của người Việt lại có bánh Trôi bánh Chay?

Đầu tháng 3 (âm lịch), khi những cánh hoa gạo bắt đầu rụng xuống đỏ một màu thương nhớ trên những con đường quê thì khi ấy cũng là thời điểm người Việt chuẩn bị đón Tết Hàn thực bằng món bánh trôi, bánh chay giản dị nhưng thấm đậm hồn Việt. Đây không chỉ là một nét đẹp văn hóa truyền thống mà còn là nét đẹp trong nghệ thuật ẩm thực của dân tộc Việt.

Nguồn gốc ngày Tết Hàn thực 3/3 âm lịch

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Sinh, Tết Hàn thực ở Việt Nam bắt nguồn từ một điển tích của Trung Quốc được lưu truyền tới ngày nay.

Theo nghĩa chữ Hán "Hàn" là lạnh, "thực" là ăn, "Tết Hàn thực" là tết ăn đồ lạnh. Phong tục cổ truyền này có nguồn gốc từ Trung Quốc theo một câu chuyện ly kỳ truyền tụng nhiều đời. Chuyện kể rằng vào đời Xuân Thu (770 - 221), vua Tấn Văn Công nước Tấn, gặp loạn nên phải bỏ nước lưu vong sống cảnh nay trú nước Tề, mai ở nước Sở. Bấy giờ, có một hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi, theo phò vua đã giúp đỡ nhiều mưu kế. Một hôm, trên đường lánh nạn, lương thực cạn kiệt, Giới Tử Thôi phải lén cắt một miếng thịt đùi mình nấu lên dâng vua. Vua ăn xong, hỏi ra mới biết đem lòng cảm kích vô cùng.

Giới Tử Thôi theo phò vua Tấn Văn Công trong vòng mười chín năm trời, cùng nhau nếm mật nằm gai, khổ luyện thành tài. Về sau, Tấn Văn Công dành lại được ngôi vương, trở về làm vua nước Tấn, phong thưởng rất hậu cho những người có công khi tòng vong, nhưng lại quên mất Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi cũng không oán giận gì, nghĩ mình theo vua phò vua là chuyện nên làm, ông cho rằng những việc đó đâu có gì đáng nói.

Vì thế, ông về nhà đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn. Tấn Văn Công về sau nhớ ra, cho người đi tìm Tử Thôi. Nhưng vì là người không tham danh vọng, Tử Thôi nhất quyết không quay về lĩnh thưởng, Tấn Văn Công ra lệnh đốt rừng (muốn thúc ép Tử Thôi quay về). Không ngờ Tử Thôi quyết chí, hai mẹ con cùng chịu chết cháy trong rừng.

Nhà vua hối hận cho lập miếu thờ. Hàng năm, đến ngày 3 tháng 3 là ngày chết cháy của 2 mẹ con Tử Thôi thì cấm dùng lửa nấu ăn, ngay cả việc làm cỗ cúng cũng phải làm từ hôm trước, đây được coi là ngày Tết Hàn thực.

Ý nghĩa của bánh trôi bánh chay trong Tết Hàn thực của người Việt

Mặc dù có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng Tết Hàn thực của người Việt không phải để tưởng nhớ đến Tử Thôi mà có những sắc thái riêng, mang đậm chất Việt, văn hóa Việt. Khác với Tết Hàn thực ở Trung Quốc, vào ngày này người Việt không kiêng lửa, vẫn nấu nướng bình thường. Điều đặc biệt, người Việt còn sáng tạo nên bánh trôi, bánh chay với ý nghĩa tượng trưng đó là những thức ăn nguội - hàn thực. Vì vậy người Việt gọi ngày mùng 3/3 âm lịch là tết bánh trôi - bánh chay.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Sinh, khi sang tháng 3, thời tiết bắt đầu nóng lên, chuẩn bị bước sang mùa hè. Để đánh dấu giai đoạn chuyển mình này của vạn vật, vào ngày 3/3 âm lịch - tức tết Hàn thực, người Việt thường làm bánh trôi, bánh chay, nấu xôi chè lễ Phật và cúng gia tiên như một cách tưởng niệm những người đã khuất với tấm lòng thành kính.

Và cũng trong dịp này, dù ai đi đâu, ở đâu đến ngày này cũng cố gắng về với gia đình để đi tảo mộ, cùng nhau ngồi bên mâm cơm sum họp. Hiện, Tết bánh trôi bánh chay là một ngày lễ quan trọng ở nhiều tỉnh thuộc đồng bằng Bắc bộ.

Cũng có tích kể lại rằng bánh trôi bánh chay có từ thời Hùng Vương và tục làm hai thứ bánh này để nhắc nhớ về sự tích "bọc trăm trứng" của Âu Cơ. Trăm viên bánh nhỏ tượng trưng cho trăm quả trứng của Đức Lạc Long Quân. Bánh trôi tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con lên rừng theo mẹ. Bánh chạy tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con theo cha xuống biển.

Và những truyền thống này đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt, để rồi cứ đến ngày Tết Hàn thực, người người nhà nhà lại nô nức chuẩn bị làm bánh trôi, bánh chay. Với mùi thơm phức của đỗ xanh, đường mật, không khí tết dường như trở nên sôi động và ý nghĩa hơn.

Bánh trôi bánh chay và sự tinh tế trong tinh hoa ẩm thực của người Việt

Tuy bánh trôi, bánh chay là loại bánh dễ làm nhưng để có được viên bánh ngon, người làm bánh cũng phải lựa chọn nguyên liệu rất cầu kỳ. Gạo làm bánh trôi, bánh chay phải kén được nếp cái hoa vàng và pha theo tỷ lệ cứ 8 tám phần hoặc 9 phần nếp với 1 đến non 2 phần gạo tẻ. Bánh trôi làm bằng bột nếp nhào nặn với nước, có nhân bằng đường phên già. Đường làm nhân bánh trôi ngon nhất là đường phên Dương Liễu, Cát Quê, với những miếng đường đỏ thắm, rắn đanh và giòn, hương thơm mát.

Cũng làm từ chất liệu bột như bánh trôi nhưng kích thước của viên bánh chay thường to hơn với nhân bánh được làm từ đậu xanh nấu chín  trộn với chút đường cho có vị ngọt mát (có thể  thêm dừa nạo sợi). Muốn có viên bánh chay ngon, người ta thường chọn giống đỗ tiêu hạt nhỏ, thơm để làm nhân. Bánh chay được đựng trong bát, chan thêm một chút chè đường quấy với bột đao hay bột sắn dây ướp hoa bưởi. Tùy nơi, người ta có thể rắc thêm chút vừng, hoặc dừa hay đỗ xanh lên mặt bánh.

Ở một số vùng, người ta làm thêm món bánh nhót, cách làm tương tự bánh chay nhưng chỉ khác hình dáng được người dân nơi đây nặn giống như trái nhót lạ mắt.

Ngày nay, xung quanh cách làm bánh trôi, bánh chay với màu trắng và công thức cổ truyền , người ta còn sáng tạo ra nhiều cách như trộn bột bánh với lá dứa, gấc, khoai lang để có màu thật đẹp mắt. Bánh chay thay vì đậu xanh thì có thể là bánh chay bí đỏ, bánh chay nhân đậu đỏ…

Dù sáng tạo hay truyền thống thì bánh trôi bánh chay mãi là một nét thú vị trong văn hóa ẩm thực của người Việt và một nét đẹp văn hóa trong truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt. Chính vì vậy, Tết Hàn Thực vẫn được duy trì ở miền Bắc, nhất là các tỉnh xung quanh Hà Nội.