Workshop bảo tàng cho trẻ em

Đến với bộ sưu tập cố định tại bảo tàng tư nhân Salon Saigon, các khán giả nhỏ sẽ khám phá năm tác phẩm nổi bật đến từ tài hoa của các nghệ sĩ Việt Nam đương đại. Ba trong số đó là những nghệ sĩ đã nổi tiếng trên trường quốc tế; và hai người còn lại đang dần khẳng định tên tuổi của mình.

Để truy cầu ý nghĩa trong tác phẩm của họ, các bạn sẽ bắt đầu với việc tìm tòi và phân tích các chất liệu mà người nghệ sĩ đã sử dụng (chẳng hạn như gốm, gỗ, thời gian, ký ức, v.v..) Chúng ta sẽ có cơ hội diễn giải các tác phẩm theo cách riêng, độc đáo và sáng tạo, bằng cách sử dụng bút chì, màu sáp và đôi bàn tay của chính mình.

- Độ tuổi: 7 – 12 tuổi

- Số lượng khách: 5 – 7 em. Mỗi em có thể được đi kèm cùng với 01 người lớn.

- Thời gian: Thứ Bảy, 18/8/2018, 15:00 – 17:15 (2 tiếng 15 phút)

- Ngôn ngữ: Tiếng Việt

- Địa điểm: Salon Saigon

- Giá vé cho mỗi em (đi kèm 01 người lớn): 400,000VND bao gồm các vật liệu cần thiết và đồ ăn nhẹ (đặt vé trước 15/08 thông qua ticketbox hoặc tại Salon Saigon)

Mục tiêu

Các bạn sẽ hình thành cách tiếp cận một tác phẩm nghệ thuật thật độc đáo, hồn nhiên và sáng tạo, và chỉ cần thông qua chính chất liệu của tác phẩm. Nhóm khán giả trẻ của chúng ta sẽ cùng nhau khám phá năm tác phẩm nổi bật tại Salon Saigon, cùng nhau thảo luận và tìm hiểu xem chất liệu nào đã được sử dụng, tại sao và như thế nào.
Những chất liệu sẽ được chia thành hai nhóm: vật thể và phi vật thể. Chất liệu vật thể rất dễ nhận thấy: đó là gỗ, giấy, gốm, v.v… Chất liệu phi vật thể ẩn hơn và cần các bạn đào sâu hơn một chút. Nó có thể là một kỷ niệm, một câu chuyện hoặc một hành trình mà người nghệ sĩ đã đem trực tiếp vào tác phẩm của mình để truyền tải chủ đề. 
Nhưng làm sao để phân biệt đâu là chất liệu nhỉ? Chúng chính là những thứ hiện diện ngay tại đó, là một phần không thể tách rời của tác phẩm. Nói theo cách khác, hãy hình dung nếu bạn đang đi trên đường và vô tình bắt gặp một tác phẩm nghệ thuật. Bạn có thể thưởng lãm nó từ mọi góc, nhưng chẳng có bảng hướng dẫn nào xung quanh để nói cho bạn biết ai đã làm nên tác phẩm này, chủ đề của nó là gì, bối cảnh sáng tác từ đâu ra. Vậy thì những gì bạn vẫn có thể cảm nhận/nghe/ngửi/thấy từ tác phẩm, đó chính là chất liệu.

Người hướng dẫn: Nhi Tran

Với quan niệm rằng quá trình học tập của thời thơ ấu chính là hành trình người bạn nhỏ thám hiểm thế giới bên trong và khám phá các thế giới khác, Nhi Tran sử dụng phương pháp kể chuyện để kết nối các khái niệm trong một bài học và cùng các học sinh thám hiểm thế giới của bài học đó. Cô đã thực hiện dự án The Dana Garden tại Đà Nẵng, tập trung vào độ tuổi 6 – 12. Hiện tại cô đang tìm hiểu việc tích hợp văn hóa Việt Nam và workshop sáng tạo vào các hoạt động học tập ngoài chính quy của trẻ em (childhood nonformal learning)

Địa điểm

Salon Saigon là một không gian tinh tế và ẩn mình giữa trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, dành riêng cho các hoạt động sáng tạo đương đại và văn hóa Việt Nam. Salon tọa lạc tại ngôi nhà hai tầng mang tính lịch sử (từng thuộc về Đại sứ Hoa Kỳ Henry Cabot Lodge Jr và gia đình ông trong thời gian họ ở Sài Gòn từ 1963 đến 1967). Cái tên Salon Saigon gợi đến những Salons (những chốn hội họp) đã diễn ra sôi nổi tại Pháp trong suốt thế kỷ 17 và 18. Ở nơi đây, sự sáng tạo đương đại và văn hóa Việt Nam được trình bày thông qua các triển lãm nghệ thuật, biểu diễn, hội thảo, chiếu phim, chương trình giáo dục và một thư viện với nguồn tư liệu ba thứ tiếng độc đáo. 

Bộ sưu tập cố định: bộ sưu tập cố định của Salon Saigon được trưng bày ở 2 tầng lầu, bao gồm tác phẩm của những nghệ sĩ được đánh giá cao trong nền nghệ thuật đương đại Việt Nam như Dinh Q. Le, The Propeller Group, Tiffany Chung, Oanh Phi Phi, Bui Cong Khanh, Nguyen Manh Hung, Truong Tan, Hoang Duong Cam; đồng thời đây cũng là nơi quảng bá những nghệ sĩ tiềm năng và đang dần khẳng định vị trí của mình. Bộ sưu tập chú trọng vào cách các nghệ sĩ lồng ghép mối tương quan giữa truyền thống di sản Việt Nam với các vấn đề thời đại.

( Nguồn: Salon Saigon)