Workshop Về Nghệ Thuật, Thiết Kế Open Studio : "Mở Xưởng"

 

Thông tin từ ban tổ chức:

Open Studio / Mở Xưởng là một sáng kiến mới thú vị từ Việt Nam Design Week (VNDW) sẽ dẫn dắt bạn vào bên trong các xưởng nghệ thuật, thiết kế, nơi các tác phẩm và các sản phẩm ra đời.

Khán giả sẽ có một chuyến tham quan độc đáo không gian làm việc của một số nghệ sĩ, nhà thiết kế và những người tiên phong trong các lĩnh vực của họ, để tôn vinh những nhà thực hành này và đồng thời tìm hiểu quá trình sáng tạo của họ. Khi các nghệ sĩ, các nhà thiết kế mở cửa studio của họ với công chúng, điều đó tạo ra một nơi chốn để trò chuyện gần gũi, trung thực, và minh bạch. Nó cũng là dịp để các nghệ sĩ, nhà thiết kế chia sẻ các giải pháp đổi mới và sáng tạo của họ đối với một số thách thức xã hội và môi trường cấp bách mà ngành công nghiệp sáng tạo hiện nay đang phải đối mặt.

Open Studio tại VNDW2021 sẽ diễn ra cả ngày từ 02/12/2021.

Link tham gia trực tuyến: tại đây

--------------------

Các diễn giả sẽ tham gia buổi sáng:

[09:00 - 10:00] 282 Design (Hà Nội)

282 Design là đơn vị thiết kế và nghiên cứu các giải pháp sản xuất gỗ tự nhiên với lối sản xuất truyền thống thủ công kết hợp máy móc hiện đại.

Từ một Kiến trúc sư với niềm đam mê với gỗ, ước mơ một ngày có thể làm ra những chiếc gỗ khó nhất thế giới tại Việt Nam, KTS Huy Phạm – CEO 282 Design đã dấn thân vào khó khăn, khơi mở ra một con đường riêng mà hiếm có một KTS nào tại Việt Nam dám đi, đó là chính thức đồng hành cùng những người thợ mộc bắt tay vào nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm gỗ với tiêu chuẩn cao nhất thế giới tại Việt Nam.

-----

[10:00 – 11:00] Nguyễn Tấn Phát (Đường Lâm, HN)

Là họa sĩ với hơn 20 năm theo đuổi chất liệu sơn mài. Các tác phẩm của anh thuận theo dòng chảy nghệ thuật ứng dụng đương đại. Anh luôn khao khát được sáng tạo để làm phong phú cho nền thủ công mỹ nghệ nước nhà.

Từ năm 2010 đến nay, anh liên tục được nhận những giải thưởng uy tín của Hà Nội và nhiều địa phương khác như giải Nhất cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2014, 2019. Anh đã đóng góp lớn cho việc truyền nghề, truyền lửa đam mê cho các họa sĩ trẻ trên quê hương cũng như phát triển DN để mang lại việc làm cho lao động địa phương.

Năm 2017, ở tuổi 34, anh vinh dự được UBND TP Hà Nội phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội”. Hiện anh đang ấp ủ kết hợp sơn mài với nghệ thuật múa rối và tổ chức triển lãm “Mơ trâu” tại mỗi không gian đậm chất Sơn Tây.

Tác phẩm tiêu biểu: 1010 chú trâu được làm từ gỗ của họa sĩ Nguyễn Tấn Phát (Sơn Tây, Hà Nội) để kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội và năm mới Tân Sửu 2021 trưng bày trong những ngôi nhà cổ trăm tuổi ở làng cổ Đường Lâm.

-----

[11:00 - 12:00] Nghệ thuật Trúc Chỉ Việt nam (Huế / Ngô Đình Bảo Vi, Phan Hải Bằng)

Ngô Đình Bảo Vi:

- Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP.HCM, chuyên ngành Thiết kế đồ họa (Graphic Design).

- Giải 3 Triển lãm Mỹ thuật Ứng dụng Toàn quốc lần 3- 2014

Nghệ thuật Trúc Chỉ đã được khẳng định là giá trị độc đáo mới không chỉ cho Huế mà cả Việt Nam. Ngoài người sáng lập - họa sĩ Phan Hải Bằng - còn có sự đóng góp thầm lặng của nữ họa sĩ Ngô Đình Bảo Vi - người đã đảm nhận trọng trách quản lý, định hình, phát triển Nghệ thuật Trúc Chỉ, đặc biệt là mảng thiết kế ứng dụng của loại hình nghệ thuật độc đáo này; bên cạnh mảng nghệ thuật tạo hình/ thị giác cũng có khá nhiều thành tựu.

Lấy cảm hứng từ nghề giấy truyền thống; các công đoạn xử lý nguyên liệu; các phương pháp xeo giấy thủ công truyền thống; với áp lực nước được vận dụng theo các nguyên lý của nghệ thuật Đồ họa; sự sáng tạo của nghệ sỹ… các sơ xợi từ rơm rạ, tre trúc, mía, chuối, lá, cỏ...đã hóa thân trở thành Nghệ thuật Trúc Chỉ. Hơn 10 năm, các nghiên cứu sáng tạo, phát triển nhiều kĩ thuật riêng cùng việc đa dạng hóa nguồn sơ sợi - họa sĩ Phan Hải Bằng, giảng viên Trường Đại học Nghệ thuật Huế, và đội ngũ của mình đã có nhiều thành tựu rực rỡ trên hành trình còn đang tiếp diễn của Nghệ Thuật Trúc Chỉ.

Hiện nay, dự án nghiên cứu chế tác Nghệ thuật giấy - Giấy nghệ thuật này đã được định danh với tư cách là một phương thức biểu hiện nghệ thuật; bằng cách thể hiện riêng; kế thừa cách làm giấy truyền thống và tiếp biến và hội nhập, phù hợp bối cảnh đương đại. Họa sĩ Phan Hải Bằng chính là người kết nối các giá trị với nhau bằng tâm thức của người sáng tạo, với ý niệm và nỗ lực tạo dựng một giá trị mới trên nền tảng truyền thống. Đặc biệt là việc gắn kết nghệ thuật tạo hình và nghệ thuật ứng dụng một cách chặt chẽ, hỗ tương…bằng Nghệ thuật Trúc Chỉ

Người điều phối: NTK Vũ Thảo (Giám đốc và sáng lập Kilomet109)

_____

Tuần lễ Thiết kế Việt Nam (Vietnam Design Week / VNDW) là chương trình tôn vinh các sản phẩm và nhà thiết kế xuất sắc của Việt Nam thuộc các lĩnh vực: Thiết kế Truyền thông (Communication design), Thiết kế Đồ nội thất (Living design), Thiết kế Vật dụng trang trí (Decor & Object design), Thiết kế Trang phục (Clothing design), Thiết kế công cộng (Public design). Chương trình gồm chuỗi các hoạt động như triển lãm, hội thảo, workshop, trình diễn (design show) nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành thiết kế nói riêng tại Việt Nam, ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo Việt Nam nói chung và gia tăng giá trị sản phẩm sáng tạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Theo dõi và cập nhật thêm thông tin chi tiết tại trang sự kiện