Top 5 phim Hàn khai thác các vấn đề về bệnh tâm lý như Điên Thì Có Sao

Trước Điên Thì Có Sao, truyền hình Hàn Quốc đã có nhiều tác phẩm xoay quanh các vấn đề sức khỏe tinh thần, đáng báo động trong thời đại mới. Những căn bệnh như trầm cảm, rối loạn lo âu, đa nhân cách hay tâm thần phân liệt… được đề cập phổ biến hơn, cho thấy sự quan tâm sâu sát về các bệnh tâm lý của các nhà làm phim Hàn Quốc. Hãy cùng GÓC ĐIỆN ẢNH điểm lại những bộ phim Hàn khai thác khía cạnh bệnh lý tâm thần nhé!

>>>Xem thêm: Giải trí với Ticketgo Youtube channel

1. IT’S OKAY TO NOT BE OKAY (ĐIÊN THÌ CÓ SAO)

Tràn đầy phép lạ thần kỳ, hoàng tử sẽ tìm đến công chúa hay ở hiền rồi sẽ gặp lành… là những mô típ quen thuộc trong dòng truyện thiếu nhi. Nhưng với một người không biết đến tình yêu như Go Moon Young (Seo Ye Ji), cô viết nên những câu chuyện mang màu sắc kỳ bí, có chút đáng sợ lại đáng thương để truyền đi cái nhìn thực tế đầy ẩn ý. Mắc hội chứng chống đối xã hội bởi bất hạnh gia đình lúc nhỏ, nữ nhà văn trẻ bị suy giảm cảm xúc trong các mối quan hệ, trở nên bốc đồng và có xu hướng đi ngược lại những quy tắc chung của cộng đồng.

Cũng sở hữu tuổi thơ không mấy ấm êm, nhân viên y tế cộng đồng Moon Gang Tae (Kim Soo Hyun) gánh trên vai trách nhiệm cuộc sống của không chỉ riêng mình mà còn của cả người anh trai tự kỷ. Đấu tranh để sinh tồn vốn khó khăn lại còn phải luôn tất bật với người anh kém may mắn khiến Gang Tae không còn thời gian chăm sóc bản thân và nuôi dưỡng tinh thần lâu nay chịu tổn thương. Hoàn cảnh gia đình không suôn sẻ là tiền đề biến những đứa trẻ toàn diện trở thành những người lớn với nội tâm sứt mẻ.

2. HYDE, JEKYLL, ME (BỞI VÌ YÊU ANH)

Bởi vì yêu anh là một bộ phim lãng mạn xoay quanh nghệ sĩ xiếc Jang Ha Na (Han Ji Min) và giám đốc công viên chủ đề Wonderland, người mang trong mình hai nhân cách. Phần nhân cách Goo Seo Jin (Hyun Bin) với vẻ ngoài lạnh lùng và phân nhân cách Robin (Hyun Bin) ấm áp, dịu dàng luôn đấu tranh và muốn tiêu trừ nhau. Chịu tổn thương trong quá khứ khiến chàng giám đốc trẻ hình thành hai nhân cách đối lập và luôn khổ sở để kiểm soát chính bản thân mình.

Trong quá trình tiếp xúc để bảo vệ gánh xiếc cha truyền, Jang Ha Na dần khám phá ra bí mật căn bệnh của người thừa kế Wonderland. Khi Goo Seo Jin một mực muốn khai trừ đoàn xiếc của cô thì Robin muốn thoát khỏi cảnh cùng chung sống một thân xác với Seo Jin để giúp đỡ người con gái anh phải lòng. Cùng với hai nhân cách trái ngược nhưng lại cùng một cơ thể, Jang Ha Na hình thành nên câu chuyện tình lãng mạn nhưng cũng nhập nhằng. Liệu đến cuối cùng, ai sẽ trở thành sự lựa chọn của Ha Na, Robin hay Seo Jin

3. KILL ME, HEAL ME (TÌM LẠI CHÍNH MÌNH)

Một trong những bộ phim Hàn “kinh điển” về đề tài tâm lý bạn không nên bỏ qua chính là Tìm lại chính mình, kể về hành trình chung sống, đấu tranh và vượt qua căn bệnh đa nhân cách đáng sợ của nhân vật Cha Do Hyun (Ji Sung). Trải qua quá khứ kinh hoàng và vụ hỏa hoạn thuở nhỏ khiến Cha Do Hyun mất đi ký ức và tự hình thành 7 nhân cách khác nhau. Những phần nhân cách này thay nhau bất ngờ xuất hiện và gây khó khăn, thậm chí có ý diệt trừ nhân cách chính Do Hyun.

May mắn thay, người thừa kế của tập đoàn Seung Jin – Cha Do Hyun – đã gặp gỡ cô bác sĩ tâm lý Oh Ri Jin (Hwang Jung Eum). Nhờ sự giúp sức và hỗ trợ lẫn nhau, cả hai đã phát hiện những tình tiết đáng sợ lúc nhỏ để rồi xoa dịu và chữa lành những thương tổn của nhau. Với Tìm lại chính mình, Ji Sung đã chứng tỏ khả năng vào vai đáng nể khi một lúc thể hiện 7 tính cách khác nhau dù lớn hay bé, dù nam hay nữ. Với những ai muốn tìm hiểu về căn bệnh rối loạn đa nhân cách, đây sẽ là một lựa chọn phù hợp mang tính giải trí cho bạn.

4. IT’S OKAY, THAT’S LOVE (CHỈ CÓ THỂ LÀ YÊU)

Cuộc sống hiện đại làm nảy sinh nhiều căn bệnh khó lường, đặc biệt là trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần, và những lo ngại đó đã được mô tả trong Chỉ có thể là yêu. Bộ phim kể về nhà viết tiểu thuyết Jang Ja Yeol (Jo In Sung) hào hoa nhưng mắc bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế; Ji Hae Soo (Gong Hyo Jin) bác sĩ khoa thâm thần với hội chứng rối loạn lo âu; chàng trai Park Soo Kwang (Lee Kwang Soo) – một bệnh nhân với hội chứng Tourette (khó kiểm soát hành vi co giật); Han Kang Woo – nhân vật do Ja Yeol tưởng tượng do chấn thương tâm lý tuổi thơ.

Có lẽ, đây là tác phẩm nói nhiều về những căn bệnh tâm lý không quá phổ biến trong xã hội. Khi tương tác lẫn nhau, những mảnh vỡ tâm hồn đã tìm được cách hàn gắn và khỏa lấp cho nhau. Bằng tình yêu, sự thấu cảm và kiên trì, cơn tàn hại của những biến chứng tâm lý sẽ dần được khắc chế và mạnh mẽ hơn là hồi phục. Chỉ có thể là yêu là nơi nước mắt chứa đựng nỗi thống khổ nhưng cũng tràn đầy niềm vui khôn xiết.

5. GOOD DOCTOR (BÁC SĨ NHÂN ÁI)

Bác sĩ nhân ái là một bộ phim y khoa nổi tiếng Hàn Quốc truyền cảm hứng cho tác phẩm cùng tên ở Mỹ và Nhật Bản. Không chỉ nói về các vấn đề y học, bộ phim còn xây dựng nhân vật chính, bác sĩ Park Shi Ohn (Joo Won), với hội chứng bác học và bệnh tự kỷ rối loạn. Không đầu hàng trước những khó khăn của căn bệnh, Park Shi Ohn nuôi hoài bão và trở thành một bác sĩ khoa nhi tài giỏi.

Trong quá trình chinh phục giấc mơ vốn bình thường ấy, Shi Ohn vấp phải nhiều phản ứng trái chiều bởi cái nhìn định kiến và sự dị nghị của số đông. Nhưng sau tất cả, câu chuyện chiến thắng bệnh tật của vị bác sĩ trẻ đầy tâm huyết đã làm dấy lên sự đồng cảm cũng như tiếp thêm sức mạnh cho những người đồng hoàn cảnh không đầu hàng trước số phận. Bởi tính nhân văn mà tác phẩm mang lại, Bác sĩ nhân ái đạt rating hai chữ số ngay từ khi bắt đầu lên sóng KBS.