Art Talk – Gặp gỡ giao lưu cùng họa sĩ Thành Chương – “Chuyện người họa sĩ”

Sáng ngày Chủ Nhật - 18/12/2022, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ diễn ra chương trình giao lưu với chủ đề “Thành Chương – Chuyện người họa sĩ”. Chương trình do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Đài truyền hình Thông tấn tổ chức.

Khách mời của chương trình là họa sĩ Thành Chương – người họa sĩ được biết đến với những tác phẩm tranh trừu tượng, độc đáo và phong cách sống tài tử, cá tính.

Chương trình diễn ra từ 9h30 đến 11h00 tại Không gian Mỹ thuật Đương đại, tầng 3, nhà B, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam – Số 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

--------

Thông tin về họa sĩ Thành Chương

Có hai thứ làm nên tên tuổi của Thành Chương. Thứ nhất là những bức tranh vẽ trâu, bởi chính họa sĩ cũng không nhớ mình đã vẽ bao nhiêu bức tranh về trâu, nhưng công chúng và đồng nghiệp đều công nhận Thành Chương là người có số lượng tranh vẽ về trâu nhiều nhất Việt Nam. Điều thứ hai làm nên tên tuổi của ông, đó là Việt Phủ - nơi lưu giữ những giá trị văn hóa vô giá của cả cội nguồn nước Việt. Họa sĩ Thành Chương từng chia sẻ: “Muốn hiểu về Thành Chương, nhất định phải tìm đến Việt Phủ”. Đúng như vậy, đến với Việt Phủ Thành Chương, công chúng như được chiêm ngưỡng và thưởng lãm một quần thể kiến trúc với nhiều hạng mục công trình mang đậm văn hóa làng quê Việt Nam cổ, công trình độc đáo có một không hai càng khẳng định thêm một lần nữa chỗ đứng vững chắc và tên tuổi của người họa sĩ đặc biệt này.

Chân dung tự họa họa sĩ Thành Chương 

Ở Việt Phủ Thành Chương, du khách như thể được quay về với quá khứ xa vời của đời sống tâm linh và thường nhật của các tộc người Việt cổ xưa, từ bình dân đến quyền quý. Ở đó, bạn sẽ thấy được làng quê Bắc Bộ thu nhỏ trong đặc trưng văn hóa Kinh Bắc, được chiêm ngưỡng những di sản bảo vật theo dòng lịch sử của từng vùng đất, cặn kẽ từ nếp ăn chốn ở đến chốn thờ tự. Ở đó, bạn sẽ được hòa nhập vào một không gian tĩnh lặng xanh mướt cỏ cây, như lạc vào cõi tâm linh của riêng mình. Như một dấu ấn đặc sắc, Việt Phủ Thành Chương được xem là điểm đến có một không hai trên mảnh đất cong cong hình chữ S giúp cho Con Rồng Cháu Tiên được một lần quay đầu chiêm nghiệm lại cội nguồn lịch sử cha ông.

Sinh trưởng trong một gia đình nghệ sĩ với 7 anh chị em, họa sĩ Thành Chương chính là con trai trưởng của cố nhà văn Kim Lân. Từ nhỏ, họa sĩ Thành Chương đã được cha ông – nhà văn Kim Lân hướng theo nghề vẽ.

Ngay từ khi 6 tuổi, Thành Chương đã cầm bút vẽ, ham vẽ và thể hiện một năng khiếu đặc biệt với vô số các giải thưởng. Có thể khẳng định, vẽ đã trở thành một lối sống, một cách nhìn, một lối tư duy nghệ thuật riêng của ông.

Thành Chương là một họa sĩ danh tiếng, một bậc thầy của hội họa Việt Nam đương đại, ông bắt đầu sự nghiệp từ năm 7 tuổi, khi đó người họa sĩ tài năng hiếm có này đã lần đầu tiên nhận được giải thưởng quốc tế khi vẽ về đôi gà tồ trong cuộc thi hội họa cho thiếu nhi tổ chức tại Anh. Kể từ thời điểm đó, nền mỹ thuật Việt Nam chứng kiến sự bứt phá vượt bậc của một tài năng, một thần đồng hội họa Việt Nam mang tên Thành Chương.

Trí tưởng tượng kỳ lạ và phong phú bậc nhất đã được Thành Chương hiển lộ một cách trọn vẹn và quyến rũ bằng phong cách hội họa dân gian đương đại đặc trưng riêng biệt của một nghệ sĩ lớn. Trong thế giới ấy, họa sĩ tái hiện tuổi thơ xao động và thẳm sâu ăm ắp những tâm tư, cảm xúc bên trong đời sống nội tâm một cách biến ảo, đầy màu nhiệm và lấp lánh màu sắc dị bản.

"Ông vua mục đồng" của Việt Nam 

 

Với bảng màu nguyên sặc sỡ gay gắt đầy nội lực, Thành Chương có khuynh hướng sử dụng những sắc màu đậm chất dân gian Việt Nam ít ai dám dùng như đỏ son, hồng điều, cánh sen, xanh nõn chuối, xanh cánh chả, vàng kim, vàng hòe…để khẳng định tài năng phối màu đa nhiệm có một không hai của mình. Ngôn ngữ hội họa của Thành Chương an vui nhưng cũng đầy trắc ẩn với những motif đã trở thành thương hiệu như chú trâu, cậu bé mục đồng, khắc khoải với những hình ảnh vầng trăng, thẩn thơ với cây sáo, hay lãng mạn phiêu diêu trên một bầu trời xa xăm như cánh diều.

Đó còn là một thế giới của những xum họp gia đình, những đôi vợ chồng hạnh phúc, những cặp tình nhân mê đắm, những đứa con yêu thương, những ái ân bất tận của tình mẫu tử, phụ tử, của bạn hữu, của những con người kiêu hãnh… Thành Chương đã đem những vẻ đẹp vô tận của đời sống vào tranh, đó có thể là bầu trời an yên của hiện tại, đầy ắp mộng mơ của hạnh phúc hay những hy vọng lấp lửng không rõ điểm bắt đầu. Và với thế giới hội họa đầy biến ảo của ông, chúng ta thêm một lần nữa nhận ra rằng: tất cả chỉ kết thúc khi đôi mắt của trí tưởng tượng trong chúng ta đóng sập lại.

Tranh của Thành Chương vừa quen vừa lạ. Quen là ở chỗ người xem cảm nhận rõ những đề tài gần gũi với đời sống làng quê Việt Nam như hình ảnh những chú trâu, người ngửa mặt, trẻ em chăn trâu, mục đồng… Thế nhưng họa sĩ lại biến hóa tranh với màu sắc sặc sỡ, cách thể hiện độc đáo, lạ mắt, khiến những bức tranh của Thành Chương trở nên mới mẻ hơn trong cách thể hiện. Tranh của Thành Chương vì thế mà chứa đựng một tinh thần dân gian sâu sắc, từ chủ đề nội dung cho đến cách biểu hiện, dùng màu sắc, cách dùng nét và mảng phẳng, nhiều tính trang trí ước lệ… Có thể gọi đó là tranh dân gian Việt Nam hiện đại.

Vốn có năng khiếu hội họa của một thần đồng, cộng với niềm đam mê và quá trình rèn luyện khổ tâm, họa sĩ Thành Chương trở thành một trong những “hiện tượng” và niềm tự hào của hội họa Việt Nam đương đại. Thành Chương nổi tiếng bởi những bức tranh với màu sắc sặc sỡ, mang đậm phong cách dân gian Việt Nam hiện đại. Ông có sở trường vẽ tranh sơn mài, sơn dầu và bột màu. Họa sĩ thể hiện nội của bản thân một cách mạnh mẽ trong những bức tranh tràn đầy năng lượng. Vì gắn bó tuổi thơ với những chú trâu, họa sĩ Thành Chương thường được người yêu nghệ thuật gắn với thương hiệu “Ông vua mục đồng của Việt Nam”.

Thành Chương là thế hệ họa sĩ gạo cội, có ảnh hưởng nhất định đối với thế hệ họa sĩ trẻ Thời kỳ Đổi mới. Sự trở về làng ào ạt với những chú trâu, bò, nón lá, niềm vui đồng dao, tình cảm ngây thơ – naïve của hội họa thời kỳ này cũng có phần nào đó ảnh hưởng từ ngôn ngữ hội họa của Thành Chương. Nói tới mỹ thuật Việt Nam thời kỳ Đổi mới, người ta không thể không nhắc tới tên tuổi của ông. Bằng ngôn ngữ và phong cách cá nhân riêng biệt, ông đã để lại dấu ấn trong mỹ thuật Việt Nam hôm nay. Thành Chương – ông chính là một trong những họa sĩ hàng đầu của hội họa dân gian – hiện đại Việt Nam.

Thành Chương đã ghi danh tên tuổi của mình vào hàng ngũ một trong những họa sĩ Việt Nam có tầm ảnh hưởng xuất sắc nhất mọi thời đại. Các tác phẩm hội họa xuất chúng của Thành Chương có mặt ở nhiều quốc gia châu Âu, châu Á và châu Mỹ. Thành Chương cũng là họa sĩ châu Á đầu tiên có tác phẩm được lựa chọn in tem phát hành bởi Liên Hợp Quốc (2001), đó là bức tranh “Tình yêu” được chọn là 1 trong 6 tác phẩm in bộ tem kỷ niệm Năm tình nguyện thế giới 2001 của Liên Hợp Quốc. Riêng bộ phim sử dụng bức tranh “Tình yêu” của Thành Chương được in với số lượng 2,3 triệu con tem. Trong bức thư cảm ơn họa sĩ Thành Chương, những người thực hiện bộ tem kỷ niệm Năm tình nguyện thế giới 2001, đã viết: “Ông sẽ đứng trong đội ngũ những nghệ sĩ như Venmeer, Legre, Henry, Moar, Salvador Dali, Pablo Picasso, Andrew Wyeth, Hans Emi, Leroy Neiman và Romero Brito… những người đã có tác phẩm được dùng làm biểu tượng của Liên Hiệp quốc”.

Đỉnh cao sáng tạo nghệ thuật mang tên Thành Chương lại đạt đến tầm cỡ mới khi ông hoàn thành công trình văn hóa mang tên Việt Phủ Thành Chương – nơi tôn vinh và lưu giữ một cách đặc sắc nhất những giá trị tinh hoa văn hóa của một tinh thần Việt./.