Công bố kết quả cuộc thi “Nhiếp ảnh sáng tạo dành cho người trẻ Hanoi Rethink Youth Creative Photography Contest”

Nằm trong khuôn khổ Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) phối hợp cùng Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, “Cuộc thi Nhiếp ảnh sáng tạo dành cho người trẻ Hanoi Rethink Youth Creative Photography Contest” đã chứng kiến sự thành công ngoài sức mong đợi và những con số vô cùng ấn tượng. Tính từ ngày 18/11/2022 đến 30/1/2023 là thời điểm đóng đơn, BTC cuộc thi đã ghi nhận 1532 tác phẩm dự thi.

Danh sách 32 tác phẩm xuất sắc nhất chung cuộc cũng sẽ được BTC trưng bày tại triển lãm của Tuần lễ Khơi nguồn Sáng tạo 2023 vào ngày 3/3/2023.

Cuộc thi Hanoi Rethink được tổ chức nhằm kêu gọi sự tham gia của giới trẻ nhằm thúc đẩy danh hiệu Thành phố Sáng tạo của Hà Nội. Sự đa dạng trong văn hóa và lịch sử Hà Nội hiện hữu trong ẩm thực, âm nhạc, nghệ thuật, nghề thủ công mỹ nghệ cùng vô vàn những biểu đạt khác nhau. Mỗi góc nhỏ của thành phố này đều mang trong mình những câu chuyện hay nét văn hoá thú vị. Cuộc thi tạo ra một sân chơi để khuyến khích giới trẻ khám phá Hà Nội thông qua những lăng kính và góc nhìn sáng tạo thông qua hai bảng dự thi.

Trong tổng số 1532 tác phẩm gửi về cho cuộc thi, có rất nhiều chủ đề khác nhau được khai thác. Dưới góc nhìn của người đam mê Nhiếp ảnh và văn hoá, mỗi cảnh vật, mỗi con người hay địa điểm, dù hiện lên giản dị gần gũi hay lớn lao thì đều ẩn chứa cái hồn, cái chất riêng và câu chuyện ý nghĩa đằng sau. Và mỗi thí sinh, bất kể ở độ tuổi nào, cũng đã góp phần tạo nên một bức tranh văn hoá Hà Nội muôn màu muôn vẻ.

Xem toàn bộ album ảnh dự thi của những tác phẩm đặc sắc nhất được đăng tải trên fanpage chính thức của tổ chức UNESCO Office in Vietnam: https://www.facebook.com/UNESCOinVietNam/?mibextid=LQQJ4d 

Hãy cùng ticketgo.vn nhìn lại những tác phẩm đạt giải trong cuộc thi:

Giải Nhất

 

Tên tác phẩm: Lặng

Tác giả: Nguyễn Quốc An

Nội dung/ Caption:

"Đến dưới chân cầu Long Biên, nơi trái ngược với cuộc sống chật chội của nội đô, tiếng nói to gào lên như muốn nổ phổi của những người dân nơi đây khi đang đánh cá thật sự đã khơi dậy phần kí ức sâu thẳm của tôi về quê nhà.

“Người Hà Nội thanh lịch mà nho nhã lắm, ấy là người ta nói thế, chứ mày nhìn chú có thanh lịch tí nào đâu!” - ông ấy vừa neo cái thuyền nhỏ lại, vừa nói với tôi. Ngồi trên đống đất có chút ướt quanh sông Hồng, tôi với ông chú nói chuyện trên trời dưới đất, tôi khá thích cái cách mà con người Hà Nội kể về nơi họ sống.

Ông kể về cái cầu Long Biên: “Có thể nó rỉ, nó xấu đi rồi nhưng nó đứng đấy được gần hơn trăm năm rồi. Chứng nhân lịch sử cả đấy! Cái cầu Long Biên tao thấy có khi còn Hà Nội hơn cả tao, âm thầm nhỏ nhẹ mà đồng hành cùng với cái Thủ đô này.”

Ông ta nói thế, chứ tôi thấy ổng vẫn đậm chất Hà Nội lắm. Cái thanh lịch của người Tràng An là không màu mè phô trương, giản dị. Có chăng là cuộc sống vất vả đã làm mất đi cái vẻ từ tốn vốn có của ông khi làm việc mà thôi."

Giải Nhì đồng giải Câu chuyện hay nhất

Tên tác phẩm: Hanoi Tours

Tác giả: Hoàng Thu Trang

Nội dung/ Caption: “Phố cổ là nơi đầu tiên tôi tìm đến để có thể nhìn ngắm và khám phá về một Hà Nội chân thật. Rảo bước nhanh qua phố Tràng Tiền, tiếng guitar nhẹ nhàng hoà cùng giọng ca đầy nội lực của những người nghệ sĩ mù bỗng níu chân tôi dừng lại trong vô thức. Và rồi, ánh mắt tôi lại vô tình rơi vào một bóng lưng thật nhỏ nhắn. Một em bé Hà Nội.

“Mẹ ơi! Sao chú kia lại đeo kính đen ạ?”
“Chú ấy không thể nhìn thấy ánh sáng con ạ!”
“Ơ! Vậy sao chú ấy đánh đàn được? Đúng là tài quá mẹ ha!”
“Chú ấy rất nghị lực phải không con? Vì thế, sau này lớn lên, dù gặp bất cứ khó khăn gì con cũng phải cố gắng vượt qua như các chú con nhé!”

“Vâng ạ!”

Chỉ một khoảnh khắc, đôi lời chuyện trò nhẹ nhàng kia đã khiến tôi thay đổi cái nhìn về con người Hà Nội với nhịp sống hối hả đầy vội vã. Em khiến tôi nhớ về mình ngày xưa. Ôi cái tuổi hồn nhiên, vô lo vô nghĩ. Mẹ cũng dắt tôi dạo quanh làng xã, khích lệ tôi quan sát và cảm nhận thế giới bằng tất cả những giác quan của mình. Tiếng ngân vang của người nghệ sĩ mù dần kéo tôi về thực tại. Tôi ngẩn người, ồ thì ra, vẫn còn nhưng khoảng bình dị và mộc mạc đến thế. Em bé này sao có thể đáng yêu và hiểu chuyện như vậy. Tôi không biết em bé có hiểu được hết lời của mẹ hay không, nhưng điều tôi biết chắc chắn rằng, trong lòng em, mầm cảm thông, mến mộ, và tình yêu thương dành cho những người nghệ sĩ mù đang nảy nở. Tôi tin em sẽ trở thành một người tốt khi trưởng thành.”

Giải Nhì

Tên tác phẩm: Lặng

Tác giả: Hà Anh Tuấn

Nội dung/ Caption:

“Trà đá vỉa hè, ẩm thực vỉa hè, những gánh hàng rong trên vỉa hè,... là đặc trưng của Hà Nội. Thế còn cờ tướng vỉa hè thì sao nhỉ? Tôi để ý rằng cờ tướng vỉa hè vô cùng phổ biến. Nhưng có lẽ hiếm ai để ý rằng đây cũng là một đặc trưng riêng của Hà Nội. Ai nói chỉ người lớn tuổi mới chơi cờ tướng? Chỉ là các bác lớn tuổi thì cờ tướng phổ biến và quen thuộc hơn thôi. Nhiều lần dạo quanh các con phố ở Hà Nội tôi cũng đã bắt gặp những hình ảnh các anh nhân viên văn phòng “ngồi trà đá” chơi cờ tướng với các bác. Có lẽ đó cũng là những khoảnh khắc mà những người nhân viên văn phòng ấy được “lặng”. Được tĩnh lại sau những ca làm việc căng thẳng, được tĩnh lại trong nhịp sống bộn bề, tất bật. Còn với các bác cờ tướng không chỉ là một ván cờ thắng thua, mà đó còn là buổi giao lưu, gặp mặt hàn thuyên. Cờ tướng vỉa hè còn đặc biệt hơn vì giữa lòng thủ đô nhộn nhịp, nườm nườm lượt xe qua lại ấy vẫn có những người “lặng” lại để suy nghĩ từng nước cờ, để trầm tư đến thanh thản. Cờ tướng không chỉ là thú vui giải trí tuổi xế chiều của các bác mà nó còn là cách để hoài niệm, để “lặng” giữa lòng phố thị bộn bề, tất bật.”

Giải bức ảnh Yêu thích nhất

Giải bức ảnh được Yêu thích của cuộc thi cũng đã được công bố vào ngày 15/2 vừa qua, đó là tác phẩm “Cô lao công trường tôi” của tác giả Nguyễn Nhâm Ngọc Trường. Sau vòng bình chọn online đầy kịch tính, tác phẩm đã đạt đến 2075 lượt react và 756 lượt share hợp lệ.

Tên tác phẩm: Cô lao công trường tôi

Tác giả: Nguyễn Nhâm Ngọc Trường

Nội dung/ Caption: “Khi bình minh một ngày mới bắt đầu, được bước trên sân trường sạch sẽ, điều tôi luôn nghĩ đến là các cô, các bác lao công ở trường mình”.