Talk chia sẻ kinh nghiệm: Nghệ sĩ Việt Nam ở thị trường quốc tế

Talk chia sẻ kinh nghiệm: Nghệ sĩ Việt Nam ở thị trường quốc tế cùng nghệ sĩ Ưu Đàm Trần Nguyễn, nhà nghiên cứu Sophie Huang & Đỗ Tường Linh

Thông tin từ ban tổ chức:

Khách mời: Nghệ sĩ Ưu Đàm Trần Nguyễn, Nhà nghiên cứu Sophie Huang & Đỗ Tường Linh

Thời gian: 14:00 - 17:00, Chủ Nhật 22.10.2023

Địa điểm: Vietnam Art Collection (VAC), 1/11 Tô Ngọc Vân, Tây Hồ, Hà Nội

Đăng ký ngay tại: ĐÂY

Trên con đường vươn ra thế giới, nghệ sĩ Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức gì, cần chuẩn bị "hành trang" như thế nào trong bối cảnh thông tin, kiến thức, những hiểu biết về cơ chế tham gia trao đổi với với thị trường quốc tế vẫn còn hạn chế.

Đó là lý do dẫn đến buổi trò chuyện “Nghệ sỹ Việt Nam ở thị trường quốc tế” của Hanoi Grapevine Đỡ Đần. Qua lăng kính và kinh nghiệm của các khách mời là nghệ sỹ Nguyễn Trần Ưu Đàm, giám tuyển Đỗ Tường Linh và nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật Sophie Huang từ tổ chức sưu tập nghệ thuật Vietnam Art Collection, người tham gia sẽ được tìm hiểu sự dịch chuyển của nghệ sỹ Việt Nam ở thị trường nghệ thuật bên ngoài biên giới. Nghệ sỹ đi từ trong nước ra nước ngoài như thế nào? Mối quan tâm của khán giả, người mua nghệ thuật ở nước ngoài ra sao? Làm sao để bắt đầu định vị và xây dựng sự nghiệp nghệ thuật cho nghệ sỹ đối với thị trường ngoài nước?

Buổi trò chuyện mong muốn cung cấp những thông tin, hiểu biết thực tế và hữu ích để người tham gia, đặc biệt là các nghệ sĩ trẻ có những hình dung rõ sáng hơn về khung cảnh, cơ chế vận động và trao đổi của thị trường nội địa với khu vực và thế giới, những cách thức, con đường để nghệ sĩ Việt Nam tiếp cận, tham gia vào thị trường quốc tế một cách chủ động, hiệu quả và bền vững, thích ứng với những sự đổi thay trong xu hướng và thị hiếu của thị trường.

-----

Về khách mời:

Sophie H. là một nhà hoạt động xã hội thúc đẩy những sáng kiến liên văn hóa suốt thập kỉ qua. Tốt nghiệp Thạc sĩ Lịch sử Nghệ thuật từ Viện Mỹ thuật, Trường Đại học New York, và tốt nghiệp cử nhân tại Học viện Nghệ thuật Thượng Hải, Sophie nhìn nhận nghệ thuật và lịch sử là một phần không thể tách rời của cuộc sống. Hướng tiếp cận của cô với nghiên cứu nghệ thuật đã khiến cô lựa chọn phát triển một kho lưu trữ nghệ thuật Việt Nam. Nền tảng này giúp Vietnam Art Collection (VAC) có được cái nhìn toàn cảnh và phát triển những chương trình hỗ trợ nghệ sĩ trẻ. Là một giám tuyển và tác giả, Sophie từng nắm giữ vị trí cấp cao tại các bảo tảng nghệ thuật đương đại tại New York và Thượng Hải, và hiện đang nắm vai trò Giám đốc tại VAC với mục tiêu tạo điều kiện và thúc đẩy những đối thoại liên văn hóa.

Đỗ Tường Linh là nhà nghiên cứu / giám tuyển hiện đang sinh sống và làm việc tại Hội đồng Văn hóa châu Á, New York, Mỹ. Tường Linh tốt nghiệp bằng cử nhân khoa Lý luận, Lịch sử & Phê bình Mỹ thuật tại Đại học Mỹ Thuật Việt Nam, và nhận học bổng Alphawood cho chương trình Thạc sĩ khoa Nghệ thuật đương đại & Lý luận nghệ thuật châu Á-châu Phi tại Đại học London SOAS. Tường Linh là đại diện của Việt Nam tham gia nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật quốc tế danh giá như Berlin Biennale 2022 (Đức); Ljubljana Graphic Art Biennial 2019 (Slovenia); Hội thảo của Hiệp hội giám tuyến bảo tàng nghệ thuật, (New York, Hoa Kỳ); Trung tâm Văn hóa Mekong 2018 – 2019 (Đài Loan); CIMAM Workshop Bảo Tàng Quốc Tế 2018 (Oslo, Nauy); Trung tâm Văn hóa Châu Á 2018 (Gwangju, Hàn Quốc); Tate Intensive 2018 tại Bảo tàng Tate Modern (Vương quốc Anh); và French Encounter tai Art Basel 2018 (Hong Kong)...

Nguyễn Trần Ưu Đàm là một nghệ sĩ thị giác Việt Nam, hiện đang sống và sáng tác tại TP.HCM. Anh học ngành điêu khắc tại trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM đến năm 1994. Sau đó anh nhận bằng cử nhân và thạc sĩ tại UCLA và School of Visual Arts khoa Nghệ thuật Thị giác. Ưu Đàm đã tham dự nhiều triển lãm quốc tế và các diễn thuyết tại: Singapore Biennale lần thứ 4, Bảo tàng Asia Society (New York), Bảo tàng RISD (Mỹ), Kadist Art (San Francisco), Không gian triển lãm White Chapel (UK), Bảo tàng Jewish (New York), Bảo tàng Bildmuseet (Thụy Điển), Trung tâm Nghệ thuật Jim Thompson (Thái Lan), Asia Pacific Triennial lần thứ 8 (Úc), QGOMA (Úc), Bảo tàng Quận Cam OCMA (California)… và giành khá nhiều giải thưởng cho các tác phẩm của mình.

------

Sự kiện nằm trong chuỗi workshop Đỡ Đần: Sống sót trong thế giới nghệ thuật gồm 09 khoá học ngắn và 04 buổi trò chuyện chia sẻ kinh nghiệm, nhằm cung cấp các kỹ năng bổ trợ thiết yếu cho cá nhân sáng tạo và tổ chức văn hoá nghệ thuật trong bối cảnh nhiều xáo động hiện nay.

Chuỗi workshop Đỡ Đần là một sáng kiến của Hanoi Grapevine nhằm hỗ trợ tích cực và hiệu quả hơn nữa cho các nghệ sỹ, nhà khởi xướng và nhà tổ chức văn hoá nghệ thuật, nhằm tạo ra một hệ sinh thái cởi mở và minh bạch.

Theo dõi và cập nhật thêm thông tin chi tiết tại trang sự kiện.