THƠ KHÔNG KẾT LUẬN một chuyến thơ cùng MYAN, Nguyễn Vũ Hiệp, mi-mimi

Mời bạn đến với “Thơ không kết luận” – một chuyến thơ mở đầu cho các sự kiện nghệ thuật của VCCA trong năm mới. Tên của chương trình lấy ý tưởng từ câu nói “Nghệ thuật không có câu trả lời” (“Art has no answer”) của Chiharu Shiota trong phim tài liệu ngắn của Art Basel chiếu trong không gian triển lãm “Thủy triều cảm xúc”.

Thông tin từ ban tổ chức:

THƠ KHÔNG KẾT LUẬN - một chuyến thơ cùng MYAN, Nguyễn Vũ Hiệp, mi-mimi

Thời gian: 20h00 - 21h30, thứ Sáu 23/02/2024

Địa điểm: Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA), tầng B1-R3, Vincom Mega Mall Royal City, 72A Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội

Chương trình không thu phí tham dự. Khán giả dự sự kiện cần mua vé tham quan triển lãm “Thủy triều cảm xúc” với mức phí như sau:

- 100.000VND - vé người lớn

- 80.000VND - vé học sinh, sinh viên (áp dụng khi xuất trình thẻ học sinh, sinh viên)

- 50.000VND - vé trẻ em (chiều cao từ 1-1,3 m)

(Vì lý do an toàn, triển lãm không dành cho trẻ em có chiều cao dưới 1m)

Sự kiện giới hạn số lượng người tham gia, vui lòng đăng ký và hoàn thành đặt vé trước để đảm bảo quyền lợi tham dự.

__

Ba người trình diễn chính của đêm thơ – MYAN, Nguyễn Vũ Hiệp, và mi-mimi sẽ dẫn khán giả di chuyển trong không gian triển lãm, bằng tiếng phách và tiếng người, lần lượt đọc các bài thơ với đề tài chung: “thơ không kết luận", thể thơ không giới hạn – chia làm ba nhịp “Lên", “Lắng", “Lặng". Ba nhịp này vừa mô phỏng chuyển động của thủy triều và sóng, vừa tái hiện hình dạng của lòng thuyền. Hành vi đọc liên tiếp các bài thơ nhỏ nối thành một bài thơ lớn vang vọng lại truyền thống thơ renga của Nhật Bản và một câu nói khác của Shiota cũng xuất hiện trong không gian triển lãm “Tất cả mọi người đều khác biệt. Tất cả mọi người đều kết nối” (“Everyone’s different. Everyone's connected"). Ngoài ra, khán giả cũng được khuyến khích gửi thơ cho ban tổ chức trước chương trình. Ở phần cuối chương trình, mỗi khán giả sẽ bốc ngẫu nhiên một bài thơ từ số đó và đọc cùng nhau.

*

MYAN (Bùi Thị Thu Hiền) là nhà thơ, nghệ sĩ đa phương tiện, nhà sản xuất và quản lý các chương trình giáo dục, biểu diễn nghệ thuật đa dạng từ thơ, kịch, múa, phim... Sáng lập MYAN Poetry & Art (7/2021), cô ra mắt tập thơ song ngữ Việt – Anh “Những thời khắc, những phút giây” (2-3/2022 tại Hội An, Hà Nội); thể nghiệm hình ảnh và thơ “6s.TRONG.KHOẢNH.KHẮC.” (5-6/2022 tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng); khởi xướng và tổ chức các chương trình "Thơ, dòng chảy thơ – Thực hành mở trong văn hóa đương đại" với chuỗi sự kiện Trò chuyện “Văn chương như quá trình dụng điển” – Trình diễn “thơ-nhạc.nhạc.thơ” – Giới thiệu sách thơ và hình ảnh “6s.10M.Khoảnh khắc(.)Dịch chuyển” – Toạ đàm “Thơ, dòng chảy thơ trong văn hoá đương đại” – Kịch đồng sáng tạo “Tình yêu rời bỏ”) (10-11/2022, Hà Nội). Trong năm 2023, cô tổ chức tại Hà Nội các sự kiện như won|derer – chiếu thơ siêu thực (3/2023); Giấc thơ Hà Nội (4/2023); Chuỗi workshop Haiku dịch-chân trời (6-7/2023). Cô cũng đồng sáng lập nền tảng Hà Nội Nghệ Văn (10/2023) bao gồm dự án Hà Nội Mở với chuỗi workshop-tour, hoạt động khám phá di sản văn hóa, lịch sử, không gian văn hoá nghệ thuật và đồng sáng tạo dành cho cộng đồng.

Trước đó, cô cũng sản xuất các vở múa đương đại L’EGO, CHẬT, SENse… với Kinergie Studio (2015-2021), phim truyện Plan Bee với Les Films Magnetiques (2016- 2019), dự án sân khấu không kịch bản Người lạ tại Life Art (2012-2014). Tốt nghiệp cử nhân Quốc tế học và thạc sĩ Chính sách công, từ năm 2005-2011, cô quản lý và điều phối các dự án phát triển, truyền thông tại Tổ chức Tầm nhìn Thế giới, Cứu trợ Trẻ em, Tạp chí Việt – Mỹ.

Nguyễn Vũ Hiệp xem thơ như một phương tiện để đọc lại và viết tiếp phần mã của thực tại bao phủ và hàm chứa mình – vốn đã bao gồm các vật chất di truyền, các tín hiệu sống, các văn bản có trước…; qua đó tìm kiếm các khả thể khác cho phần đời sống mà mình tham gia. Anh viết thơ và truyện ngắn trên fanpage Ikarus Airlines, đồng thời viết bình luận và điểm sách trên một số tạp chí như Tia Sáng hay Khoa học & Phát triển. Anh cũng đồng tổ chức một số sinh hoạt văn hoá, bao gồm hoạt động thảo luận và sáng tác văn chương của nhóm Ô Thước, hay các workshop của nhóm Haiku trans-horizon diễn ra vào năm 2023. Một số thử nghiệm gần đây của anh, như minizine Chùa Xuyến Chi, khám phá các kết hợp có thể hình thành giữa thơ haiku và nghệ thuật thị giác, giữa thẩm mỹ truyền thống Á Đông và nhiếp ảnh.

mi-mimi, danh tính nghệ sĩ của Hương Mi Lê, là một người thực hành Gesamtkunstwerk (TD: Nghệ thuật toàn diện). Một số sự kiện nghệ thuật mà mi-mimi từng tham gia: “Hà Nội Mở số 04 – The Showcase" (2024, Hà Nội); “Phản tư" (2023, Hà Nội); “won|derer – chiếu thơ siêu thực” (2023, Hà Nội); “thơ-nhạc.nhạc/thơ”; “thơ hồng" (2022, Hà Nội); “Cõi riêng ảo” / “Virtual Private Realm” (2021, Hà Nội); “Animal Theater 2019” (2019, Hà Nội); “Poetry Plus – Performance Plus 2019” (2019, TP HCM).

đối với mi-mimi, làm nghệ thuật cũng như làm khoa học: là để nhìn ra giai điệu trong cõi hỗn mang. sáng tạo đưa cô đi trên con đường xuyên qua cõi hỗn mang của tồn-tại và phản-tồn-tại – con đường duy nhất của hành trình tự kiến tạo như một 'con người’, hoặc cũng có thể là trở thành ‘chúa'.

cô nhìn nhận bản thân như một vật dẫn, một phương thức giải nghĩa và biểu đạt, một thứ đất để đón nhận và nuôi dưỡng những hạt mầm của những tiếng nói được và những tiếng không nói được, từ vùng thấy được và không thấy được trong mắt con người. đến tối hậu, vũ trụ này thông qua cô mà kể chuyện, rồi những câu chuyện này sau đấy có lẽ cũng kể cô.

Chi tiết cách thức đăng ký tham gia và cập nhật thêm thông tin chi tiết, vui lòng theo dõi tại trang sự kiện.