Triển Lãm Dấu Người Đi Năm 2023

Triển lãm Dấu người đi gói ghém lại hành trang của hoạ sĩ Đặng Hữu, sau tròn một con giáp làm nghệ thuật.

Thông tin từ ban tổ chức:

Khai mạc: 17:00, thứ Sáu 24/11/2023

Trưng bày: 10:00 – 18:00, 24/11 – 10/12/2023

Địa điểm: Art 30 Gallery, 30 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

_______________

Theo đuổi phong cách hậu ấn tượng, Đặng Hữu đánh dấu mình bởi sự kiên định trong cấu hình. Anh giản hóa hình dáng của vật thể xuống mức cơ bản, trong khi lại lưu giữ bảng màu đậm đà của trường phái ấn tượng, để nhấn mạnh vào tính cấu trúc của đề tài. Tính cấu trúc này đã làm nên nét trừu tượng trong tranh của Hữu, và cũng đã xây dựng một cảm quan hội hoạ về sự mạnh mẽ, sôi nổi, đam mê, truyền tải được những cung bậc cảm xúc và trạng thái cuộc sống của hoạ sĩ.

Đặng Hữu rèn dũa nghề bằng trực hoạ, một cách xuyên suốt và bền bỉ. Con đường hội hoạ của anh gắn liền với con đường trực hoạ. Nghiêm cẩn như một kẻ hành hương, đến hẹn lại lên, hoạ sĩ nai nịt đồ nghề, lên đường đi vẽ. Hữu ĐI như là THỞ, như là điều tất yếu phải có, ĐI một cách điềm nhiên, giản dị, như là cuộc vận hành tự nhiên của đời người. Cho nên tranh Hữu gắn bó nhiều hơn với đề tài thiên nhiên, phong cảnh. Hữu học ở thiên nhiên rất nhiều điều, giữ được cảm xúc với cái thường hằng, và biết tìm niềm vui ở những điều dị biệt. Những khoảnh khắc thị giác được thu nhận từ cảm nhận trực quan của hoạ sĩ, hiện lên trong tranh anh với góc nhìn khác lạ, tươi mới, không sáo mòn và định kiến. “Gió mùa về” trong một chén trà sớm, “Phố quen” qua hình hài lạ lẫm, Hạ Long tươi xanh dưới một màu hồng mạnh mẽ, “Chiều Cô Tô” ngả tím, những “Ô cửa lướt qua” mà như khắc dấu trong tim…

Tranh Hữu vững chãi, nổi bật cá tính, nhưng bút pháp lại chất chứa tình cảm. Những nét bay dứt khoát khiến tranh anh dễ nhận diện bởi tính thô mộc khoẻ khoắn của một người vẽ đang độ sung sức. Những vết màu uốn vặn với nhiều thao thức bồi hồi của một hoạ sĩ dễ xúc động trước cuộc sống. Cái lá ráy non vặn mình bung nở trong “Bạn hữu”, nắng thu rực rỡ đến độ nhấp nhoáng trong “Lối cũ mùa thu”, ban mai run rẩy trồi lên qua “Bình minh xám”, và “Đêm sập cửa” nhốt chặt hoàng hôn!

Đặng Hữu có ý thức hiện thực hoá tiềm lực vật chất của sự vật qua tranh, và thật duyên dáng, tính vật chất của vật liệu thường nâng đỡ ý tứ của hoạ sĩ, trở thành một “biểu hiện” mang đậm dấu ấn cá thể. Màu dầu được phối với cát, vàng và bạc, chỉ gai… phong phú một cách tự nhiên như chất liệu của cuộc sống. Những bức vẽ bến thuyền, sông nước của Hữu thường chứa đựng nhiều chất liệu, như là sự biểu lộ tính khoáng đạt của tự nhiên, sức mạnh mẽ của đất trời mà anh cảm nhận được qua các chuyến đi. Một “Bến 1” lấp lánh ánh trăng dát vàng dưới những nhịp cầu, “Sóng đã cài then” trên nền vải gai khoẻ khoắn, vạn vật sũng nước “Sau cơn mưa”… Hình tượng bến-thuyền trở đi trở lại trong tranh Hữu, đều ước lệ bằng những đường màu đan ngang dọc thẳng băng, để kể các câu chuyện khác nhau về sự ráo riết tìm kiếm và đổi mới chính mình của người hoạ sĩ. Ở đó không có sự nắn nót và trau chuốt. Ở đó chỉ có một tâm trạng hối hả thể hiện cho kịp sự dịch chuyển của thiên nhiên, của sự sống. Ngày rồi đêm, tháng rồi năm, ở và đi, sống và vẽ, quyết liệt và cô độc, như hình ảnh con thuyền tự xoay trên bến vắng “Dã Độ vô nhân, chu tự hoành”!

Trên hành trình tự nhiên của sự sống, người ta không cốt lưu dấu lại mình, nhưng chính quá trình sống đó đã lưu vết lại Dấu người đi

Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.