TUẦN PHIM 1988 NĂM ẤY.. PHIM GÌ

Mời bạn tới cùng chúng tôi khám phá xem “1988 - năm ấy, phim gì" và giao lưu cùng các đạo diễn, diễn viên khách mời.

1988: NĂM ẤY... PHIM GÌ?

Một tuần phim lấy cảm hứng từ hai người thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh...

Nửa cuối những năm 1980 là một thời kỳ nhiều biến động của điện ảnh Việt Nam, thường được gọi là giai đoạn đầu của Điện ảnh Đổi mới. Chỉ trong vài năm ngắn ngủi, một loạt các tác giả xuất sắc và những bộ phim tiêu biểu của họ đã ra mắt và gây được ấn tượng mạnh với công chúng yêu điện ảnh nước nhà. Đặc biệt năm 1988 là một năm đỉnh cao nở rộ các tác phẩm ở nhiều thể loại khác nhau và đều là những bộ phim không thể nào quên của điện ảnh Việt. Hãy cùng chúng tôi khám phá xem “1988 - năm ấy, phim gì?”.

1. Chuyện tử tế (đạo diễn Trần Văn Thủy, sản xuất năm 1985, công chiếu năm 1987)

Được coi là phần 2 của bộ phim tài liệu gây tiếng vang Hà Nội trong mắt ai (1982), Chuyện tử tế tiếp tục phản ánh những suy nghĩ của Trần Văn Thủy về cuộc sống và xã hội thời bao cấp. Bộ phim đã khắc họa hình ảnh của những người dân nghèo khổ trong xã hội để tìm ra lời giải đáp cho câu hỏi: "Thế nào là sự tử tế?". Cả Hà Nội trong mắt ai và Chuyện tử tế đều chỉ đến được với đông đảo khán giả sau khi có sự can thiệp của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh vào năm 1987. Tác phẩm sau đó đã giành giải Bồ câu bạc tại Liên hoan phim Quốc tế Leipzig, Cộng hòa Dân chủ Đức và được nhiều đài truyền hình mua bản quyền để phát lại. Cho đến nay đây vẫn được coi là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của đạo diễn Trần Văn Thủy.

2. Thị trấn yên tĩnh (đạo diễn Lê Đức Tiến, 1986)

Thị trấn yên tĩnh là bộ phim ra đời đúng năm nước ta bước vào thời kỳ Đổi mới do Lê Đức Tiến đạo diễn với sự tham gia của các diễn viên Trịnh Thịnh, Lân Bích, Bùi Bài Bình, Thúy Hằng, Đăng Khoa. Đây là bộ phim hài hước có ý nghĩa châm biếm, đả kích thói xu nịnh, quan liêu. Bộ phim đã từng rất được yêu thích một thời. Tuy quay đã lâu, bối cảnh đã cũ, nhưng Thị trấn yên tĩnh vẫn còn gây nhiều tiếng cười và chắc chắn sẽ thu hút thêm rất nhiều người xem của ngày hôm nay, bởi những gì có trong bộ phim này không-hề-cũ.

3. Cô gái trên sông (đạo diễn Đặng Nhật Minh, 1987)

Bộ phim Cô gái trên sông (1987) của đạo diễn Đặng Nhật Minh có thể xem như cái mốc đánh dấu sự khởi đầu của Điện ảnh Đổi mới. Phim xoay quanh Nguyệt – một cô gái giang hồ trên sông Hương thời Chiến tranh chống Mỹ; sau giải phóng cô đi tìm lại người cán bộ kháng chiến mà cô đã cứu thoát khỏi cuộc săn lùng của địch. Nhưng niềm tin của cô đã tan vỡ khi anh ta cố trốn tránh cô. Phim đã giành giải Bông sen bạc cho Phim truyện điện ảnh cũng như giải Bông sen vàng cho nữ diễn viên chính (Minh Châu) tại liên hoan phim Việt Nam 1988.

4. Tướng về hưu (đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi, 1988)

Năm 1988, đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi cho ra đời phim Tướng về hưu - thực sự tạo nên một tiếng vang, một “cú sốc” mạnh trong dư luận xã hội, ghi dấu một sự chuyển hướng sáng tác của đạo diễn nói riêng và cả nền điện ảnh Việt Nam nói chung. Tướng về hưu dựa theo truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, kể câu chuyện đau xót về một vị tướng rời quân ngũ trở về gia đình và hoàn toàn lạc lõng trong một đời sống đang thay đổi với những giá trị bị đảo lộn hàng ngày, những tình cảm gia đình đã mất đi trong cơn lốc của thời mở cửa. Tình cảnh gia đình ông Thuấn dường như rất phổ biến trong xã hội Việt Nam lúc giao thời, khi đồng tiền len lỏi và chi phối trong mọi mối quan hệ. Ông Thuấn như người xa lạ trong chính ngôi nhà của mình trước cô con dâu sắc sảo, người con trai nhu nhược và một bà vợ lẩn thẩn.

5. Gánh Xiếc Rong (đạo diễn Việt Linh, 1988)

Là bộ phim nhận được nhiều giải thưởng danh giá của Điện ảnh Việt Nam và quốc tế. Nội dung xoay quanh những câu chuyện đời thường, số phận lênh đênh, vô định của những con người trong gánh xiếc rong. Bằng phong cách thể hiện vừa mang màu sắc hiện thực lại vừa phảng phất vẻ trào lộng kín đáo, bộ phim đã đạt đến một ý nghĩa tượng trưng nhất định.

6. Truyện cổ tích cho tuổi 17 (đạo diễn Xuân Sơn, 1988)

Truyện cổ tích cho tuổi mười bảy thuộc thể loại phim tâm lý dành cho lứa tuổi mới lớn của đạo diễn Xuân Sơn. Đây cũng là tác phẩm đầu tay của nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, ra mắt lần đầu năm 1988. Những rung động tuổi mới lớn, nỗi nhớ thương người thân nơi chiến trường, những mộng mơ và băn khoăn vô định đầu đời… đã tạo nên không gian cho một câu chuyện cổ tích với cô bé An (diễn viên Lê Vi). Truyện cổ tích cho tuổi 17 như một làn gió mát thổi vào điện ảnh Việt Nam, một bộ phim về chiến tranh mà không hề có khói súng.

7. Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh gửi lại (đạo diễn Nguyễn Thước, 2008)

"Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh gửi lại" là bộ phim tài liệu không được sản xuất năm 1988 nhưng là những thước phim VỀ NĂM 1988, nhân kỷ niệm 20 năm ngày mất của vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ- Xuân Quỳnh (29/8/1988).
Bộ phim do Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Thước (Hãng phim tài liệu khoa học Trung ương) và đạo diễn Bùi Tuấn (Đài truyền hình Việt Nam) thực hiện. Tác giả kịch bản là Nghệ sĩ nhân dân, nhà viết kịch Đào Trọng Khánh, quay phim: Hoàng Tuấn Phát. Mặc dù không có một hình ảnh động nào về cuộc đời của Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh mà chỉ có duy nhất hai phút phim động là cảnh lễ tang của Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh và người con Lưu Quỳnh Thơ do chính đạo diễn Nguyễn Thước ghi lại cách đây 30 năm và một số ảnh, tư liệu bản thảo viết tay và đánh máy; những ký ức về họ qua lời kể của bạn bè, gia đình; cảnh một số vở kịch đã phát trên truyền hình; các nhà làm phim đã cho người xem có thể hình dung ra chân dung một Lưu Quang Vũ khá hoàn chỉnh, với đầy đủ những sóng gió thăng trầm của cuộc đời, với những khắc họa khá rõ nét về “con người thơ” của Lưu Quang Vũ, cũng như tài năng trong sự nghiệp sân khấu của anh."
-----
Lưu ý: Tuần phim 1988: NĂM ẤY... PHIM GÌ? sẽ được luân phiên tổ chức tại 2 địa điểm như sau. Chúng tôi sẽ thông báo thứ tự các phim, danh sách khách mời và địa điểm chiếu từng phim cụ thể trong thời gian sớm nhất.
-----

Lịch chiếu phim:

Thời gian: 19:30 - 21: 30 các ngày từ 25/8 - 1/9/2019

Địa điểm:

Địa điểm 1: Ơ Kìa Hà Nội 1, 639/39/39 Hoàng Hoa Thám Ba Đình, Hà Nội

Địa điểm 2: Ơ Kìa Hà Nội 2, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp 360 Đê La Thành, Đống Đa, Hà Nội

Bạn ghé qua, vui lòng đóng góp 50,000đ (đã bao gồm 1 đồ uống) ủng hộ cho Ơ Kìa Hà Nội chúng mình tổ chức các sự kiện tiếp theo nhé!