Họa sĩ Hồng Quang ghi dấu ấn mạnh mẽ với loạt tranh về phố phường Hà Nội

Họa sĩ Hồng Quang là một trong những gương mặt họa sĩ tiêu biểu có nhiều thâm niên trong hoạt động nghệ thuật của nền mỹ thuật đương đại Việt Nam. Họa sĩ có nhiều cảm hứng với phong cảnh thiên nhiên, thường tìm về những khung cảnh có chiều sâu với bút pháp tinh tế, điệu đà bậc nhất và đầy tính mỹ cảm. Đặc biệt, họa sĩ luôn tìm tòi khám phá  và khai thác vẻ đẹp đa chiều, nhiều góc cạnh ở những con phố Hà Nội.

Họa sĩ Hồng Quang tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội, khoa Sơn mài. Họa sĩ từng có thời gian làm việc và công tác tại Phòng Thiết kế Mỹ thuật viện Bảo tàng Hồ Chí Minh. Họa sĩ Hồng Quang còn là một họa sĩ cách mạng, ông từng có thời gian tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, mặt trận Vị Xuyên, Hà Tuyên. Họa sĩ từng đảm nhận vị trí phóng viên cho chiến trường tờ báo Điểm tựa – Sư đoàn Bộ binh 316. Quãng thời gian tham gia chiến đấu đem lại cho họa sĩ nhiều trải nghiệm và vốn sống phong phú, quý giá cho công việc vẽ tranh và sáng tạo nghệ thuật. Họa sĩ từng đạt Giải Nhất triển lãm nói về huấn luyện và chiến đấu F316 toàn quân khu 2. Họa sĩ Hồng Quang cũng từng có thời gian làm việc ở Văn phòng Chủ tịch nước với tư cách cộng tác viên.

Chân dung họa sĩ Hồng Quang (Ảnh: Họa sĩ)

"Tôi không biết họa sĩ nào hay nhà văn nào lại nghỉ hưu. Họ giống như những người lính – họ chỉ ra đi 

I didn’t know that painters and writers retired. They’re like soldiers – they just fade away"

Lawrence Ferlinghetti

 

 Hà Nội băm sáu phố phường...

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, không xa lạ gì khi họa sĩ lão thành tài năng của nền mỹ thuật Việt Nam đương đại – Hồng Quang đã dành rất nhiều tình cảm của mình cho những con phố của Thủ đô. Những chi tiết về phố cổ Hà Nội trong tranh Hồng Quang là những hình ảnh tiêu biểu xuất hiện dày đặc hàng ngày trên đường phố nhưng khi bước vào thế giới nghệ thuật của riêng Hồng Quang chúng đã được họa sĩ thổi hồn bằng những nét rất riêng. Hình ảnh người lao động một mình gánh quang gánh là một nét đẹp rất riêng của đường phố Hà Nội. Tất cả như lặng yên giữa thinh không, chỉ vang lên là tiếng rao bán hàng, mọi chuyển động vào ban đêm dường như tĩnh lặng hẳn, không gian trầm lắng và màu sắc gợi tả có chiều sâu tác động mạnh đến ấn tượng thị giác của người xem.

"Trong nghệ thuật, bàn tay không bao giờ có thể tạo ra điều gì cao hơn điều trái tim có thể tưởng tượng -

In art, the hand can never execute anything higher than the heart can imagine"

Ralph Waldo Emerson

 

Đôi quang gánh quen thuộc trong những sáng tác của họa sĩ Hồng Quang (Ảnh: Họa sĩ)

Trong đa số những bức tranh, họa sĩ có xu hướng phân mảng bố cục sáng và tối tương phản khá rõ rệt, nhưng điều đáng nói là chúng lại đan xen và hòa quyện một cách tài tình khiến người xem cảm thấy như bị lạc lối vào một mê cung nghệ thuật đầy mê hoặc và giàu tính mỹ cảm. Họa sĩ thường điểm vào tranh với những tán cây – tuy chỉ chiếm không gian không đáng kể nhưng làm cho bức vẽ thêm phần cân đối. Thường khi họa về Hà Nội, họa sĩ chú trọng làm nổi bật vẻ đẹp nhiều góc cạnh của phố phường, đó là những gian hàng, sạp hàng giản dị, những mảng tường rêu phong đã tự nó hàm chứa sự hoài cổ mang tông màu trầm buồn nhưng lại pha trộn tông màu sáng của nền trời, lọng che, sân thượng, con đường tạo ra sự cân bằng cho thần thái của bức tranh.

Đề tài phố phường Hà Nội làm nên tên tuổi của họa sĩ Hồng Quang (Ảnh: Họa sĩ)

Họa sĩ quan sát kỹ lưỡng tính tổng thể của bức tranh và để lại dấu ấn bút pháp cũng như dấu ấn tình cảm trở nên trầm lắng hơn trong bức họa. Thường thì bố cục của tranh được họa sĩ dàn trải đều, không tập trung quá nhiều vào một chi tiết đã tạo nên sự cân bằng đối với ấn tượng thị giác của người xem. Một vài người rảo bước trên vỉa hè, những mảng tường cũ vôi vàng kiểu Pháp có những cánh cửa sổ xanh lá cây xen lẫn lọng che, mái hiên hiện lên đa sắc màu điểm xuyết thêm những chấm hoặc vệt sơn khắc họa con người bên lề đường. Cảnh vật tĩnh lặng được phá vỡ bởi sự chuyển động của người trong một chiều mưa tạo nên chỉnh thể bức tranh thật sự có chiều sâu, tinh tế và tràn đầy cảm xúc. 

Họa sĩ cũng chú trọng đến từng chi tiết rất nhỏ nhưng làm nên đặc trưng của Hà Nội phố như ban công, cột điện, cửa sổ, mái nhà, biển báo, loa phường, cờ đỏ, cột điện... Ở một số họa phẩm toát lên chất đường phố của Thủ đô, họa sĩ đưa vào tranh những chi tiết có thật từ ngoài đời sống bước vào tranh, như ghế nhựa, biển quảng cáo, pano, áp phích...

 

Tác phẩm "Phố Hàng Rươi" được khắc họa dưới đôi mắt giàu tính mỹ cảm của họa sĩ Hồng Quang

(Ảnh: Họa sĩ)

Tranh phố của họa sĩ Hồng Quang luôn được biến hóa tài tình bởi những gam màu tươi tắn, trong sáng và giàu sức gợi tả. Phố cổ Hà Nội của họa sĩ được vẽ nên bởi một miền kí ức nơi tác giả đặt ấn tượng chủ yếu vào những chi tiết trên đường phố vừa có tính hiện thực lại vừa có tính hoài niệm. Ví như hàng cây lá vàng lá đỏ đặc trưng của mùa thu Hà Nội nổi bật trên nền cảnh vật với nét vẽ mạnh mẽ, dứt khoát toát lên cái tài hoa của một bậc thầy họa sĩ tả cảnh bằng màu. Những ngôi nhà nhỏ xinh và cao tầng với những cửa tiệm san sát nhau,  đường phố nhộn nhịp bên lề đường có vài hàng quán, sạp báo cùng những người đi bộ, gánh hàng rong... 

Loạt tranh phố cổ Hà Nội khiến ta có cảm giác như đang được chiêm ngưỡng những họa phẩm của Bùi Xuân Phái "thứ hai" của Hà Nội (Ảnh: Họa sĩ)

Chỉ với những chi tiết rất đơn giản nhưng bằng phương pháp điểm họa kết hợp nhuần nhuyễn với các nhát bút dài gắn chặt với cảm xúc trìu mến về sự vật, dường như người họa sĩ tài ba đã khơi dậy được ở người xem một tình yêu bấy lâu tưởng như đã ngủ quên với những con phố xinh đẹp của chính quê hương mình. Họa sĩ thường trân trọng những chi tiết có thực, gần gũi từ đời sống để đưa vào tranh. Dù ở bóng dáng tác phẩm nào, họa sĩ cũng muốn làm nổi bật chất văn hóa Kinh Bắc được tái hiện sinh động và chân thực nhất thông qua mỗi họa phẩm.

Đề tài cuộc sống sinh hoạt vùng núi được tái hiện trong tranh của người họa sĩ cách mạng này (Ảnh: Họa sĩ)

Bên cạnh đề tài phố cổ, họa sĩ còn khai thác vẻ đẹp của dân tộc thông qua vẻ đẹp của cuộc sống ở miền núi, vùng cao. Con người hiện lên với những màu áo đặc trưng, như cô gái Sán Chỉ đi cõng củi dưới suối, người dân Ê Đê sải bước về bản, đôi khi là những tà áo quan họ sặc sỡ của những liền anh liền chị… Họa sĩ tìm thấy cảm hứng ở đề tài cuộc sống vùng cao, đậm chất Bắc Bộ.

Cuộc sống của những con người miền núi được tái hiện chân thực và gây nhiều dư  âm (Ảnh: Họa sĩ)

Trong nhiều bức tranh, họa sĩ có xu hướng tả thực khi đưa hầu hết các chi tiết rất hiện thực của cuộc sống bước vào tranh. Ở đề tài  miền núi, họa sĩ càng có dịp phô diễn tài năng và niềm đam mê với đề tài tranh phong cảnh và tình yêu cuộc sống được thể hiện qua nét vẽ tài tình trong khắc họa phong cảnh, chân dung và con người./.