Hội thảo chuyên đề Ngành Giám Tuyển lần thứ Nhất

Á Space cùng Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật – Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-SIS) với sự đồng hành của Bộ sưu tập Dogma, Nguyễn Art Foundation và Trung tâm nghệ thuật The Outpost xin gửi tới những khán giả quan tâm đến thực hành giám tuyển nói riêng, và nghệ thuật đương đại Việt Nam nói chung, lời mời tham dự chương trình Hội thảo Chuyên đề Ngành Giám tuyển Lần thứ Nhất.

Thông tin từ ban tổ chức:

Thời gian: 09:30 – 18:30, 13 & 14/04/2024

Địa điểm: Phòng triển lãm, Trung tâm Mỹ thuật Đương Đại – Hội Mỹ thuật Việt Nam, 621 Đê La Thành, Hà Nội

Lịch trình hội thảo

Link đăng ký

_______________

Với mục tiêu trở thành nền tảng thảo luận cởi mở và có tính phản biện, Hội thảo Chuyên đề Ngành giám tuyển Lần thứ Nhất với chủ đề “Thực hành giám tuyển tại Việt Nam từ năm 2000-nay: Cơ hội và Thách thức” tập trung giải quyết các vấn đề vẫn luôn tiềm tàng trước nay — những khúc mắc thực tiễn mà người làm công tác giám tuyển tại Việt Nam nhận thấy và gặp phải trong hơn hai thập kỷ qua. Từ đó, Hội thảo mong muốn xác định những cơ hội và khả năng giúp mở rộng và phát triển ngành nghề này tại Việt Nam, đồng thời tạo tiền đề cho sự ra đời các chương trình tập trung vào thực hành giám tuyển trong tương lai.

Hội thảo Chuyên đề Ngành giám tuyển Lần thứ Nhất quy tụ sự tham gia của 18 diễn giả là các giám tuyển, người thực hành nghệ thuật, nhà nghiên cứu cũng như đại diện của các tổ chức nghệ thuật công và tư đã và đang hoạt động, đóng góp tích cực cho quang cảnh chung của nghệ thuật khắp cả nước đến từ Hà Nội, Huế, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh.

Hội thảo Chuyên đề Ngành giám tuyển Lần thứ Nhất gồm có 05 Chuyên đề, mỗi Chuyên đề sẽ được trình bày bởi 03 Tham Luận Viên với các dẫn chứng cụ thể là các dự án nghệ thuật-giám tuyển tại Việt Nam. Sau 03 phần trình bày, Điều Phối Viên sẽ đặt ra các câu hỏi để Tham Luận Viên cùng khán giả có thể thảo luận thêm về các đề tài được trình bày. Hội thảo mở đầu bằng những suy tư có tính lịch sử nhằm đưa ra một cái nhìn bao quát về hành trình phát triển của ngành giám tuyển ở Việt Nam với Chuyên đề 1: Phả hệ thuật ngữ “curator” tại Việt Nam qua các thời kỳ và quan niệm về công việc giám tuyển, sau đó sẽ đi sâu vào các vấn đề phát sinh thực tiễn, đặc thù với bối cảnh nghệ thuật Việt Nam như Chuyên đề 2: Xây dựng cơ sở hạ tầng và cộng đồng như một thực hành giám tuyển, Chuyên đề 3: Tính “tác giả” trong công tác giám tuyển; Chuyên đề 4: Viết như một chiến lược giám tuyển và Chuyên đề 5: Triển lãm như một địa bàn viết sử.

Cũng trong khuôn khổ của hội thảo này, với hi vọng thúc đẩy quan tâm về thực hành giám tuyển, viết nghệ thuật cũng như lịch sử nghệ thuật, và để tìm ra những gương mặt tiềm năng, Ban Tổ Chức sẽ phát động một cuộc thi viết dành cho các sinh viên đại học trong nước. Các ứng viên tham gia được khuyến khích phản hồi, phân tích các chủ đề được nhắc tới trong Hội Thảo liên đới đến quan tâm về văn hoá, nghệ thuật cá nhân của bản thân.

Hội thảo là hoạt động ra mắt VINACURA do Á Space, Nguyễn Art Foundation và Trung tâm nghệ thuật The Outpost đồng khởi xướng và thực hiện. VINACURA là một sáng kiến chung dài hơi nhằm chia sẻ nguồn lực và hỗ trợ lẫn nhau giữa các tổ chức tham gia nhằm phát triển và mở rộng các khía cạnh chuyên môn và thực tế của những người thực hành giám tuyển và viết ở Việt Nam.

Tiểu sử các tham luận viên, điều phối viên tham gia

Dương Mạnh Hùng
Dương Mạnh Hùng là một dịch giả, cây viết, và giám tuyển độc lập. Thực hành của anh đan xen sự phức tạp của chữ nghĩa cùng tính vi tế của thị giác nhằm phản hồi và chất vấn thực trạng của thế giới. Mối quan tâm của Hùng giữa các tương tác trong nghệ thuật thị giác và dịch thuật xuất phát từ sự chú ý mật thiết đến bối cảnh lịch xã hội-chính trị toàn cầu và Đông Nam Á, đặc biệt là thông qua lăng địa chính trị và sinh thái học. Thông qua thực hành dựa trên câu chữ, anh luôn tìm cách soi chiếu và kiến giải về những điểm gặp gỡ đầy hạnh ngộ và nhân nhị giữa các hình thái nghệ thuật khác nhau.

Vân Đỗ
Vân Đỗ là giám tuyển độc lập, Giám đốc nghệ thuật và thành viên Ban giám tuyển của Á Space, không gian độc lập do nghệ sĩ khởi xướng cho nghệ thuật thể nghiệm tại Hà Nội bắt đầu hoạt động từ năm 2018. Thực hành của Vân quan tâm tới những can thiệp vào các cấu trúc không gian có sẵn và thiết lập những tham dự có tính phê bình vào các cộng đồng nghệ thuật và phi nghệ thuật ở Việt Nam.

Châu Hoàng
Châu Hoàng là một giám tuyển độc lập và người quản lý nghệ thuật tại Hà Nội, đồng thời cũng là một thành viên trong Ban Giám Tuyển của Á Space.

Linh Lê
Linh Lê là một giám tuyển và người nghiên cứu độc lập ở Thành phố Hồ Chí Minh, và là một thành viên Ban Giám Tuyển của Á Space.

Lê Thuận Uyên
Lê Thuận Uyên hiện là Giám đốc nghệ thuật tại Trung tâm Nghệ thuật The Outpost. Thực hành của cô rọi vào ảnh hưởng của bối cảnh xã hội và mạch ngầm bản địa tới sự phát triển của ngôn ngữ nghệ thuật đương đại Việt Nam. Cô cũng chú trọng tới việc tích hợp trải nghiệm nghệ thuật vào môi trường giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực cho nghệ thuật.

Ngô Thanh
Ngô Thanh đọc, viết, nghe, xem ngắm cùng/với điện ảnh, nghệ thuật và văn chương. Giữa những tạo tác người – không người, hi vọng một cất lời sẻ chia và gặp gỡ động lay.

Nguyễn Anh Tuấn
Nguyễn Anh Tuấn là giám tuyển và nhà quản lí nghệ thuật tại Hà Nội, Việt Nam. Tuấn tốt nghiệp ngành Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật của trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam), và làm việc tại Ban Nghiên cứu Mỹ thuật Cổ, Viện Mỹ thuật đến năm 2015. Đầu năm 2016, Tuấn được bổ nhiệm là Giám đốc Nghệ thuật của Heritage Space – tổ chức nghệ thuật độc lập tại Hà Nội, và làm việc tới nay.

Bill Nguyễn
Bill Nguyễn là nghệ sĩ-giám tuyển cam kết nghiên cứu và phát triển các phương thức giám tuyển và thực hành nghệ thuật lấy nhu cầu địa phương làm trọng tâm. Qua các dạng thức nghệ thuật và nỗ lực giám tuyển, Bill khám phá sự thân mật, tính xa lạ, sự tiếp giáp văn hoá và sự thật lịch sử. Anh hiện tại là Giám đốc Nguyễn Art Foundation.

Nguyễn Huy An
Nguyễn Huy An sinh năm 1982 tại Hà Nội và tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật Việt Nam năm 2008. Các tác phẩm của An gồm tranh, trình diễn, sắp đặt đều là quá trình cố gắng đào sâu vào những mảng tối của tâm thức. Anh được các giám tuyển và nhà phê bình nghệ thuật quốc tế đánh giá cao bởi sự tối giản về hình thức, mạnh mẽ về nội tâm, và giàu ý niệm trong các tác phẩm.

Nguyễn Như Huy
Nguyễn Như Huy là giám tuyển, thi sĩ, nhà phê bình nghệ thuật và dịch giả. Huy là đồng giám tuyển của Singapore Biennale 2013 và Kuandu Biennale 2015. Ông cũng là người sáng lập và giám đốc nghệ thuật của Ga 0, một không gian thực hiện các dự án nghệ thuật tại Sài Gòn. Huy đã xuất bản hai tập thơ và là dịch giả tiếng Việt của Martin Heidegger.

Nguyễn Quốc Thành
Nguyễn Quốc Thành là nghệ sĩ, giám tuyển, người đồng sáng lập và thành viên ban giám tuyển Nhà Sàn Collective. Năm 2013, and sáng lập Queer Forever!, liên hoan nghệ thuật queer, dự án tiếp diễn, rạp chiếu phim tự phát, workshop zine và viết, căn bếp, nơi gặp gỡ, ăn uống, lắng nghe, học hỏi và yêu đương queer.

Nguyễn Thế Sơn
Sinh sống và làm việc tại Hà Nội, Nguyễn Thế Sơn là một nghệ sĩ thị giác, một nhiếp ảnh gia, giám tuyển độc lập và là giảng viên của Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội. Anh tốt nghiệp Cử nhân Hội hoạ tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam) và Thạc sĩ Nghệ thuật, chuyên ngành Nhiếp ảnh Nghệ thuật tại Học Viện Mỹ thuật Trung Ương, Bắc Kinh.

Nguyễn Thị Thanh Mai
Nguyễn Thị Thanh Mai là nghệ sĩ thị giác và giảng viên ở Đại học Nghệ thuật Huế. Cô đồng sáng lập Mơ Đơ, tuần lễ nghệ thuật Nổ Cái Bùm Huế (2020) và hướng đến việc thúc đẩy bối cảnh văn hoá nghệ thuật của địa phương mình.

Trần Hậu Yên Thế
Trần Hậu Yên Thế (sinh 1970) là nghệ sĩ thị giác đồng thời là nhà nghiên cứu nghệ thuật. Cử nhân Hội họa (1995) Thạc sĩ Sơn dầu năm (2004) Tiến sĩ về Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật (2017). Từng được trao giải thưởng Bùi Xuân Phái (2014 và 2020).

Arlette Quỳnh-Anh Trần
Arlette Quỳnh-Anh Trần là một người lao động nghệ thuật tại Sài Gòn. Cô thực hành nghệ thuật một cách độc lập và với những người khác; giám tuyển và viết cho nhiều ấn phẩm, triển lãm, dự án trong và ngoài nước. Các tác phẩm của cô là sự kết hợp giữa thẩm mỹ sci-fi và chính trị thông qua sự kết hợp của hoạt họa, thiết kế 3D, lưu trữ lịch sử và kiến trúc. Arlette Quỳnh-Anh Trần kiến tạo một lối đọc phi tuyến tính và phi lý về lịch sử hiện đại, chất vấn về những trần thuật hậu Chiến tranh Lạnh về Thế giới Thứ Ba. Arlette say mê với một huyễn tưởng về một Thế Giới Thứ Ba không tưởng trong tương lai, nơi các lý tưởng chính trị được tái phối, nhân loại và các cá thể phi nhân cùng tồn tại và hợp nhất.

Vũ Đức Toàn
Vũ Đức Toàn làm việc chủ yếu với trình diễn và sắp đặt. Toàn tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam khoa Lý luận và Lịch sử Nghệ thuật. Năm 2010, Vũ Đức Toàn và Nguyễn Huy An thành lập nhóm Phụ Lục, một nhóm nghệ sĩ thực hành trình diễn tại Hà Nội. Anh là một thành viên ban giám tuyển của Nhà Sàn Collective từ 2013 và thành viên ban giám tuyển của Á Space từ 2024.

TS. Vũ Thị Hà
Vũ Thị Hà là nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Cô nhân bằng Tiến sĩ Nhân học tại Học viện Khoa học Xã hội năm 2019. Mối quan tâm nghiên cứu của cô là nhân học đô thị và sự thích ứng của các tộc người trong bối cảnh đô thị hóa.

Xuân Hạ
Xuân Hạ, nghệ sĩ và nhà thực hành nghệ thuật cộng đồng, hiện đang sống và làm việc tại Đà Nẵng. Mối quan tâm của cô gần đây tập trung vào các biến đổi văn hóa-xã hội, và sự tác động của nó đến môi trường và danh tính bản địa ở miền Trung, Việt Nam. Cô là đồng sáng lập và quản lý các nhóm tập thể: Chaosdowntown Cháo (Sài Gòn, 2015-2019), và A Sông (Đà Nẵng, 2019-nay).

Hội thảo Chuyên đề Ngành Giám tuyển Lần thứ Nhất*

Khởi xướng và tổ chức: Á Space

Đồng tổ chức: Trường Khoa học Liên ngành & Nghệ thuật – Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-SIS)

Nhà tài trợ kim cương: Dogma Collection

Nhà tài trợ vàng: Nguyễn Art Foundation

Đối tác truyền thông: Art Republik

Nằm trong khuôn khổ VINACURA, một dự án do Á Space, Nguyễn Art Foundation và The Outpost Art Organisation đồng khởi xướng và thực hiện.

Theo dõi và Cập nhật thêm thông tin tại trang sự kiện.