Phim Tân Biên Thành lãng tử - Phó Hồng Tuyết và những đạo hữu

“Biên Thành lãng tử” là bộ truyện nói về Diệp Khai – truyền nhân của Tiểu Lý Phi Đao. Tuy nhiên, nhân vật để lại nhiều ấn tượng nhất cho người đọc, lại là Phó Hồng Tuyết – Cổ Long đệ nhất đao.

Khác với kiếm hiệp Kim Dung, vốn rất ưa chuộng “kiếm” – thứ vũ khí của bậc quân tử theo quan niệm Trung Hoa và bỏ qua những thứ vũ khí khác. Trong kiếm hiệp Cổ Long, vai trò của thanh đao đã được “nâng tầm”, trở thành một thứ vũ khí có “hồn” với những cá tính riêng biệt của người sở hữu nó. Nhắc đến “đao”, người ta sẽ không thể bỏ qua Tiểu Lý Phi Đao Lý Tầm Hoan và Phó Hồng Tuyết, hai vị “thần” trong lòng những người yêu đao.

Tất nhiên, Tiểu Lý Phi Đao vẫn là người nổi tiếng hơn cả bởi cái lệ “không trượt bao giờ” của Lý Tầm Hoan. Thế nhưng xét cho cùng, nếu xếp “Tiểu Lý Phi Đao” vào bộ “đao” thì có lẽ sẽ có đôi chút khiên cưỡng, bởi đó vốn dĩ  là một thứ ám khí. Chính vì thế, trong lòng nhiều người, Phó Hồng Tuyết  mới thực sự là thanh đao mạnh nhất trong kiếm hiệp Cổ Long.

Phó Hồng Tuyết được số mệnh định sẵn sinh ra là để báo thù, được nuôi dạy chỉ để báo thù, bởi vậy, đao của y cũng là để báo thù. Suốt cuộc đời dùng đao, Phó Hồng Tuyết chỉ luyện một thế rút đao duy nhất, và biến thanh đao của mình thành thanh đao nhanh nhất. Y đã đạt đến cảnh giới “rút sau mà luôn đến trước”, cũng chính là cảnh giới “hậu phát chế nhân” mà kiếm hiệp Kim Dung hay nhắc tới.

Câu chuyện về bi kịch cuộc đời Phó Hồng Tuyết bắt nguồn từ vụ án ở Mai Hoa Am 20 năm về trước. Hồi đó, có ba môn phái nổi tiếng trong giang hồ là Vạn Mã Đường, Võ Lâm Trung Nguyên và Ma giáo. Vào một ngày tuyết dày đặc, cha của Phó Hồng Tuyết là Bạch Thiên Vũ – vốn là một cao thủ trong võ lâm, bị giết hại bởi chính người huynh đệ đã phản bội mình đó là Mã Không Quần. Mẹ của Phó Hồng Tuyết là Đại Công chúa của Ma giáo – Hoa Bạch Phượng đã vượt qua rào cản, mâu thuẫn giữa các bang phái để tiến đến với Bạch Thiên Vũ. Trong phim, giữa Võ Lâm Trung Nguyên và Ma giáo vốn tồn tại hiềm khích không thể hóa giải. Tình yêu của hai người bị phản đối đỉnh điểm, trong lúc bị sát hại, Hoa Bạch Phượng mang thai, bị Mã Không Quần đâm nhưng không chết. Tiểu Lý Phi Đao – Lý Tầm Hoan bạn thân của Bạch Thiên vũ đã đến cứu giá nhưng không kịp. Trong phi, Lý Tầm Hoan đã đánh tráo Diệp Khai (vốn là con đẻ thật sự của Bạch Thiên Vũ và Hoa Bạch Phượng) với Phó Hồng Tuyết. Còn trong nguyên tác tiểu thuyết kiếm hiệp thì Đinh Bạch Vân – vốn là vợ cả của Bạch Thiên Vũ, đã đánh tráo con vì đánh ghen.

Biên Thành Lãng Tử là câu chuyện về Phó Hồng Tuyết theo lời mẹ đến Biên thành để trả thù cho cha là Bạch Thiên Vũ—bị hãm hại ở Mai Hoa Am vào mười tám năm trước. Ở Biên thành, Phó Hồng Tuyết gặp Diệp Khai, một lãng tử với thân phận bí ẩn, và cả hai bị cuốn vào những âm mưu liên quan đến vụ án năm xưa. Giết Bạch Thiên Vũ không chỉ có một mình Mã Không Quần mà vẫn còn những người khác và họ, khi biết con trai Bạch Thiên Vũ đang truy sát Mã Không Quần để trả thù, tất nhiên không ngồi yên chịu chết. Cuối truyện, vì ngăn Phó Hồng Tuyết giết Mã Không Quần, tiếp tục bị hãm sâu trong thù hận, Diệp Khai buộc phải nói ra sự thật về thân phận cả hai: Diệp Khai mới thật sự là con của Bạch Thiên Vũ và Hoa Bạch Phượng còn Phó Hồng Tuyết là một cô nhi Bạch phu nhân đánh tráo với Diệp Khai vì mục đích trừng phạt Hoa Bạch Phượng (cơ bản là đánh ghen đó mà). Vì thế, mối thù của Bạch Thiên Vũ không có chút xíu gì liên quan đến Phó Hồng Tuyết. Mang theo thanh hắc đao gãy làm đôi, Phó Hồng Tuyết lê bước rời đi. Theo như lời Diệp Khai trong Cửu Nguyệt Ưng Phi và một số chi tiết trong Thiên Nhai Minh Nguyệt Đao thì sau đó, Phó Hồng Tuyết trở về phụng dưỡng Hoa Bạch Phượng và chuyên tâm luyện đao pháp cho đến sự kiện trong Thiên Nhai Minh Nguyệt Đao.

Như vậy, Hoa Bạch Phượng đã nhận nhầm Phó Hồng Tuyết làm con đẻ, bà đã luyện trong 20 năm ép Phó Hồng Tuyết chỉ ghi nhớ tới hai chữ báo thù. Bà ép buộc Phó Hồng Tuyết học thứ võ công khó nhất, cầm thanh hắc đao tàn độc nhất để tế máu kẻ thù đã giết cha mình.

Tuy là một người mạnh mẽ, nhưng cuộc đời của Phó Hồng Tuyết lại tràn đầy bi kịch. Trong suốt bao nhiêu năm, cả cuộc đời y chỉ tồn tại hai chữ “báo thù”. Báo thù đối với y là nghĩa vụ thiêng liêng, là thứ giúp y “sống”. Ấy vậy mà, khi đại thù giết cha sắp thành công, y lại phát hiện ra, thật ra mối thù đó không thuộc về y, người bị giết hại cũng không phải cha y. Bi kịch lên đến đỉnh điểm khi lẽ sống của Phó Hồng Tuyết, bỗng chốc biến thành một thứ tro tàn. Với thanh hắc đao gãy làm đôi, Phó Hồng Tuyết lê bước rời đi. Kết thúc của hệ liệt “Biên Thành lãng tử” là tiền đề để mở ra sự kiện sau đó trong bộ “Thiên Nhai Minh Nguyệt đao”.

Đến “Biên Thành Lãng Tử”, độc giả biết đến một Phó Hồng Tuyết 18 tuổi bị hận thù bóp nghẹt linh hồn, rất khác một Phó Hồng Tuyết 38 tuổi dù bị người hãm hại đến tột cùng đau khổ cũng không hề hận người, và đúng như câu “yêu nhau yêu cả đường đi lối về”. Người đọc có thể thấy mâu thuẫn trong hai nhân vật Tiểu Phó và Đại Phó không phải hai nhân vật khác nhau mà là hai giai đoạn trong quá trình phát triển của một nhân vật. Người đọc hay nói tác giả Cổ Long “ác” với nhân vật Phó Hồng Tuyết khi bao nhiêu bi kịch đều đổ dồn xuống đầu Phó Hồng Tuyết. Thế nhưng, bác vẫn dành cho Phó Hồng Tuyết rất nhiều tình cảm và tâm huyết, bằng chứng là bác đã xây dựng một Phó Hồng Tuyết gần như hoàn chỉnh về mặt phát triển tính cách: từ một thiếu niên nóng nảy (trong Biên Thành Lãng Tử có chi tiết nói rằng Phó Hồng Tuyết vốn rất nhiều tình cảm, đầy nhiệt huyết nhưng phải kìm nén tất cả cảm xúc của mình vì báo thù), mù quáng vì thù hận trong “Biên Thành Lãng Tử” trở thành một người đàn ông trưởng thành, điềm tĩnh trong “Thiên Nhai Minh Nguyệt Đao”. Trong quá trình phát triển tính cách nhân vật đấy, nét xuyên suốt và nổi bật ở con người Phó Hồng Tuyết là nghị lực và sự kiên cường đáng ngưỡng mộ. Những đau khổ mà anh gánh chịu dù chỉ một trong số đó thôi cũng đủ cho nhân vật khác hắc hoá, thế nhưng Phó Hồng Tuyết không bao giờ. Có lúc anh xuống đáy tuyệt vọng nhưng Phó Hồng Tuyết vẫn có thể vùng lên, chặt đứt gông xiềng trói buộc để hướng đến ánh sáng. Nếu bạn xót xa cho Phó Hồng Tuyết ở đoạn kết “Biên Thành Lãng Tử” thì hãy yên tâm, đến đoạn kết “Thiên Nhai Minh Nguyệt Đao”, anh đã trút bỏ đau khổ và tìm được “minh nguyệt” của mình (ý nghĩa của “minh nguyệt” trong tựa truyện).

Bi kịch là thế, nhưng hình ảnh của Phó Hồng Tuyết vẫn in sâu vào tâm trí người đọc kiếm hiệp Cổ Long. Tay trắng, trắng như bạch tuyết; đao đen, đen như cái chết. Tay của Phó Hồng Tuyết  không bao giờ rời khỏi chuôi đao, và chiếc chân què thì cứ thế lết đi. Chu Nhất Long thể hiện sự lạnh lùng băng giá của cả nhân vật, một vai diễn với trái tim nồng ấm ẩn chứa sau một vẻ cô độc, lạnh lùng.

 

***

“Mã Phương Linh thấy gì?

Thị trông thấy sáu thứ: Một góc áo trắng cùng một thanh huyết kiếm, một góc áo đen cùng một thanh cổ đao, và cuối cùng, một góc áo xanh thẫm cùng một ngọn tiểu đao độc nhất vô nhị.

Tiểu Lý Phi Đao.

Ngọn tiểu đao phản chiếu ánh trăng. Bàn tay Mã Phương Linh run rẩy sờ lên cổ họng.”

 

Ở một phân đoạn khác:

“Phó Hồng Tuyết chợt dừng chân, ngưng ánh mắt nhìn Diệp Khai, rồi gằn từng tiếng:

  • Có phải là các hạ chăng?

Diệp Khai cũng dừng chân, rồi từ từ thốt:

  • Câu đó, đáng lẽ phải do tại hạ hỏi! Có phải là các hạ chăng?

Hai người cùng đứng lại, cùng nhìn nhau, bất thình lình cùng cười.

Diệp Khai thốt:

  • Lần thứ nhất, tại hạ thấy các hạ cười.

(Trích “Biên Thành lãng tử” – Cổ Long)